Lấy đất nông nghiệp đền bù không thỏa đáng xử lý thế nào

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Lấy đất nông nghiệp đền bù không thỏa đáng xử lý thế nào?

Mọi người cho hỏi: Chính quyền địa phương lấy đất nông nghiệp địa phương của dân bán lấy tiền ,cấp đất mới cho dân. Nhưng có một số hộ nông dân do đi làm ở xa nên chính quyền không thông báo,cho nên không cấp lại đất cho những hộ này. Những người chưa được cấp đất họ làm đơn khiếu nại lên chính quyền xã,huyện,tỉnh nhưng không ai giải quyết cả. Họ bày nhiều lí do để không cấp đất lại.những người dân rất bức xúc không biết cách nào để lấy lại đất cả,cơ quan chính quyền không giải quyết thì họ biết nhờ ai. Mong mọi người ở đây có cách nào giúp với.


Luật sư Tư vấn Luật Đất đai – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 26 tháng 05 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề bồi thường đất không thỏa đáng

  • Luật Đất đai 2013
  • Luật Tố tụng hành chính 2015

3./ Luật sư tư vấn

Đất nông nghiệp là đất được giao cho cá nhân, hộ gia đình thực hiện sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật Đất đai 2013. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền được thu hồi đất trong một số trường hợp theo pháp luật quy định và cần thực hiện theo trình tự thủ tục pháp luật quy định về thu hồi đất. Theo đó, trường hợp phát sinh tranh chấp trong hoạt động thu hồi đất của cơ quan nhà nước, người dân có thể sử dụng các quyền khiếu kiện theo quy định pháp luật như sau:

Trước hết, Việc Địa phương thu hồi đất theo một trong các trường hợp sau:

– Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh;

– Thu hồi đất vì mục đích kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;

– Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;

– Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.

Bên cạnh đó, việc thu hồi đất phải được thực hiện đúng thẩm quyền. Về thẩm quyền thu hồi đất được quy định tại Điều 66 Luật đất đai 2013 như sau:

Điều 66. Thẩm quyền thu hồi đất

1.Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:

a) Thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

b) Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.

2.Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:

a) Thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư;

b) Thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

3.Trường hợp trong khu vực thu hồi đất có cả đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất.”

Như vậy, nếu trường hợp của anh/chị, việc thu hồi đất nhằm mục đích kinh tế-xã hội vì lợi ích của quốc gia, công cộng, không phải để tư lợi cho bản thân, đồng thời, đúng thẩm quyền thu hồi đất nông nghiệp nêu trên thì chính quyền địa phương thu hồi đất là hoàn toàn có căn cứ.

Ngoài ra, Việc thu hồi đất phải được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo pháp luật quy định, cụ thể: Căn cứ Điều 67, 68, 69 Luật đất đai 2013, trình tự thu hồi đất như sau:

– Thông báo thu hồi đất:

Ủy ban nhân dân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất. Thời điểm thông báo chậm nhất 90 ngày đối với đất nông nghiệp trước khi có quyết định thu hồi đất. Thông báo thu hồi đất được gửi đến từng người có đất thu hồi, họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm;

Người có đất thu hồi có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong quá trình điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Trường hợp người sử dụng đất trong khu vực có đất thu hồi không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người sử dụng đất thực hiện.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục mà người sử dụng đất vẫn không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc. Người có đất thu hồi có trách nhiệm thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc. Trường hợp người có đất thu hồi không chấp hành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Điều 70 của Luật đất đai 2013.

– Lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:

Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi, đồng thời niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.

Việc tổ chức lấy ý kiến phải được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, đại diện những người có đất thu hồi.

Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm tổng hợp ý kiến đóng góp bằng văn bản, ghi rõ số lượng ý kiến đồng ý, số lượng ý kiến không đồng ý, số lượng ý kiến khác đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức đối thoại đối với trường hợp còn có ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hoàn chỉnh phương án trình cơ quan có thẩm quyền;

– Ra quyết định thu hồi đất, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày.

Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã phổ biến và niêm yết công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi; gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến từng người có đất thu hồi, trong đó ghi rõ về mức bồi thường, hỗ trợ, bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có), thời gian, địa điểm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ; thời gian bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có) và thời gian bàn giao đất đã thu hồi cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;

Trường hợp người có đất thu hồi không bàn giao thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người có đất thu hồi thực hiện.

Nếu không thể vận động, thuyết phục thì hủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế theo quy định tại Điều 71 của Luật đất đai 2013.

Như vậy, ngay từ đầu, cơ quan có thẩm quyền không thông báo cho những người đi làm ăn xa và cũng không có biện pháp hỗ trợ bồi thường thu hồi đất đối với đất bị thu hồi của những hộ gia đình, cá nhân đó là trái quy định của pháp luật. Anh/chị cùng các hộ dân trong khu vực thu hồi đất nên làm đơn khiếu nại đến cơ quan thu hồi đất. Nếu cơ quan thu hồi đất vẫn tiếp tục trốn tránh giải quyết, người dân nên gửi đơn khởi kiện vụ án hành chính đến Tòa án nhân dân cấp huyện để giải quyết tranh chấp nêu trên.

– Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

– Tên Toà án nhận đơn khởi kiện;

– Tên, địa chỉ của người làm đơn khởi kiện;

– Tên, địa chỉ của người bị kiện;

– Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (các hộ dân trong khu vực thu hồi đất);

– Những vấn đề cụ thể yêu cầu Toà án giải quyết;

– Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng;

– Tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp;

– Các thông tin khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án.

Như vậy, trên đây là các căn cứ cho việc thu hồi đất nông nghiệp và cách giải quyết tranh chấp việc thu hồi đất nói trên.

Với những tư vấn về câu hỏi Lấy đất nông nghiệp đền bù không thỏa đáng xử lý thế nào, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

Bài liên quan:

1900.0191