Câu hỏi của khách hàng: Huyện muốn lấy đất làm khu vui chơi thì có cách nào giữ lại đất không
Gia đình em có một diện tích đất. Hiện nay huyện có chủ trương muốn lấy làm khu vui chơi tuy nhiên giá cả lấy đất thấp. Thấp hơn cả giá đất mấy thửa bên cạnh lấy từ 1, 2 năm trước làm toà án hơn 20 triệu. Hiện tại các cán bộ thị trấn chỗ chúng em đã đi vận động và đã vận động được một số gia đình ký bán đất. Tuy nhiên gia đình em và một số gia đình khác muốn giữ lại đất. Vậy thì có luật hay nghị định nào cách nào giúp giữ lại đất không ạ? Em cảm ơn.
Luật sư Tư vấn Luật Đất đai – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 20/12/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề các trường hợp thu hồi đất
- Luật Đất đai 2013;
3./ Luật sư trả lời Huyện muốn lấy đất làm khu vui chơi thì có cách nào giữ lại đất không
Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai. Nhà nước chỉ thu hồi đất trong các trường hợp nhất định do pháp luật quy định, cụ thể:
Căn cứ Điều 16 Luật Đất đai 2013 quy định về các trường hợp thu hồi đất như sau:
“Điều 16. Nhà nước quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất
1. Nhà nước quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
a) Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
b) Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;
c) Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.
2. Nhà nước quyết định trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.”
Bên cạnh đó, Căn cứ theo điểm c khoản 3 Điều 61 Luật Đất đai năm 2013 quy định Nhà nước thu hồi đất đối với dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ; xây dựng công trình của cơ sở tôn giáo; khu văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ công cộng; chợ; nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng.
Theo đó, dự án xây dựng khu vui chơi theo chủ trương của huyện thuộc trường hợp được phép thu hồi đất.
Căn cứ Khoản 2 Điều 66 Luật Đất đai năm 2013, UBND cấp huyện có thẩm quyền thực hiện thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, công đồng dân cư. Do đó, việc UBND cấp huyện tiến hành thu hồi đất vì mục đích xây dựng công trình vui chơi cộng đồng nêu trên là đúng thẩm quyền.
Thủ tục thu hồi đất phải được tiến hành đúng theo quy định tại Điều 69 Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể:
Sau khi phê duyệt dự án, UBND cấp huyện sẽ ban hành thông báo thu hồi đất gửi đến từng hộ gia đình cá nhân có đất nằm trong khu đất sử dụng cho dự án bị thu hồi đất, thông báo phải được gửi đến từng hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp; họp phổ biến đến người dân về dự định thu hồi đất và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.
– UBND cấp xã phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục mà người sử dụng đất vẫn không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc;
– Lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi, đồng thời niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.
Việc tổ chức lấy ý kiến phải được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, đại diện những người có đất thu hồi.
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm tổng hợp ý kiến đóng góp bằng văn bản, ghi rõ số lượng ý kiến đồng ý, số lượng ý kiến không đồng ý, số lượng ý kiến khác đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức đối thoại đối với trường hợp còn có ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hoàn chỉnh phương án trình cơ quan có thẩm quyền;
Cơ quan có thẩm quyền thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất.
– Quyết định thu hồi đất, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:
Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày;
Về việc chấp hành quyết định thu hồi đất của người có đất bị thu hồi, theo quy định, người có đất bị thu hồi buộc phải thực hiện quyết định thu hồi đất khi có đủ các điều kiện nhất định. Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 71 Luật Đất đai 2013 về cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất, cụ thể: “2.Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã vận động, thuyết phục;
b) Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi;
c) Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành;
d) Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành.
Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản”.
Theo đó, trường hợp người dân đã được vận động, thuyết phục; quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã và đã có hiệu lực thi hành; người có đất bị thu hồi đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thì người dân có đất bị thu hồi buộc phải thực hiện quyết định thu hồi đất, nếu không sẽ bị cưỡng chế thực hiện.
Vậy, trong trường hợp của bạn, khi có đủ các yếu tố nêu trên, bạn và các hộ gia đình xung quanh buộc phải thực hiện quyết định thu hồi đất của UBND huyện.
Về điều kiện và mức bồi thường của Nhà nước khi thu hồi đất:
Căn cứ theo khoản 1 Điều 75 Luật Đất đai năm 2013, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp (trừ trường hợp đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 01/7/2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không có Giấy chứng nhận hoặc không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này thì được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng, diện tích được bồi thường không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp quy định).
Theo đó, nếu gia đình bạn và các hộ xung quanh có đủ điều kiện trên thì sẽ được bồi thường. Việc bồi thường được xác định theo quy định tại Điều 79 Luật Đất đai năm 2013 về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất ở. Cụ thể, trường hợp của bạn có thể được áp dụng một trong hai điều khoản sau: “1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam mà có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường như sau:
a) Trường hợp không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở; trường hợp không có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở thì Nhà nước bồi thường bằng tiền;
b) Trường hợp còn đất ở, nhà ở trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng tiền. Đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất ở thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở.
2.Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở phải di chuyển chỗ ở mà không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, nếu không có chỗ ở nào khác thì được Nhà nước bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất.”
Khoản 2 Điều 74 Luật Đất đai 2013 quy định về nguyên tắc bồi thường khi thu hồi đất, theo đó: “Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.”
Theo đó, bạn cần xem xét và đối chiếu với bảng giá đất và các chính sách bồi thường, hỗ trợ đất của địa phương bạn để kết luận giá bồi thường đã hợp lý hay chưa. Khi thu hồi đất, ngoài việc được bồi thường về đất, người sử dụng đất còn được bồi thường về tài sản gắn liền với đất. Trong trường hợp việc bồi thường thu hồi đất không thỏa đáng, bạn không đồng ý với quyết định thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng thì gia đình bạn có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của cơ quan quản lý đất đai theo quy định pháp luật về khiếu nại.
Vậy, thông thường việc bồi thường về đất sẽ được tính dựa trên giá đất tương ứng với mục đích sử dụng đất do Nhà nước ban hành cụ thể là theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất. Tuy nhiên, nếu xét thấy giá bồi thường đất quá thấp, bạn có quyền đưa ra kiến nghị bồi thường đất tại cuộc họp lấy ý kiến về phương án bồi thường để được xem xét.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Tham khảo thêm bài viết: