Câu hỏi của khách hàng: Mồ côi cha còn mẹ không rõ tung tích thì làm thế nào để xin trợ cấp cho trẻ
Cho em hỏi xíu mọi người Ạ.
Mẹ Của cháu trai em bỏ nhà đi biệt xứ không về lúc cháu chưa bỏ bú (mới mấy tháng), hiện không biết mẹ cháu ở đâu cũng chẳng có hình ảnh để tìm. giờ cháu đã được 10 tuổi rồi
Trớ trêu thay là năm cháu 8 tuổi Ba cháu bị đột quỵ và mất.. Mồ côi Ba lẫn mẹ sống nhờ tình thương bên nội.Bác cả và hai cô của cháu đã có gia đình riêng cũng khó khăn nên không chu cấp hay giúp đỡ cháu được nhiều.Hiện giờ cháu đang sống với bà nội ngấp ngưỡng tuổi 60, và cô út 23 tuổi… Bà nội thì già,cô út thì bệnh Tật liên miên, vì lo cho tương lai sau này của cháu nên nhiều lần lên xã làm giấy để xin trợ cấp hàng tháng cho cháu nhưng không được. Người ta bảo phải lên báo đài tìm mẹ cháu mới giải quyết được, thử hỏi hoàn cảnh khó khăn như thế thì tiền đâu mà có để đăng tin bây giờ ?
Mọi người ai rành luật cho em hỏi như vậy có cách nào giúp cháu có cái giấy mồ côi ba mẹ không?
Luật sư Tư vấn Luật Dân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 21/12/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề đối tượng được hưởng chế độ bảo trợ xã hội
- Nghị định số 136/2013/NĐ-CP Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội
- Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
- Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.
3./ Luật sư trả lời Mồ côi cha còn mẹ không rõ tung tích thì làm thế nào để xin trợ cấp cho trẻ
Trợ giúp xã hội là một bộ phận cấu thành của hệ thống an sinh xã hội. Pháp luật Việt Nam quy định một trong các hình thức trợ giúp xã hội đối với những người hoàn toàn không thể tự lo được cuộc sống trong một thời gian dài, đó là chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng. Đối tượng hưởng trợ cấp xã hội được pháp luật quy định như sau:
Căn cứ Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Theo đó, Đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được liệt kê tại khoản 1 Điều 5 như sau: Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp quy định sau đây:
– Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi;
– Mồ côi cả cha và mẹ;
– Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại mất tích theo quy định của pháp luật;
– Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;
– Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
– Cả cha và mẹ mất tích theo quy định của pháp luật;
– Cả cha và mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;
– Cả cha và mẹ đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
– Cha hoặc mẹ mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;
– Cha hoặc mẹ mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
– Cha hoặc mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Trong trường hợp của bạn, bé 8 tuổi có mẹ bỏ đi không có thông tin, bố của bé đã mất. Cần nhận định rõ đây không phải là trường hợp bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi hay mồ côi cả cha lẫn mẹ. Bởi lẽ, căn cứ theo quy định của Luật Nuôi con nuôi 2010, trẻ em bị bỏ rơi là trẻ em không xác định được cha mẹ đẻ; và trẻ em mồ côi là trẻ em mà cả cha mẹ đẻ đã chết hoặc một trong hai người đã chết và người kia không xác định được. Do vẫn có thể xác định được người mẹ của bé là ai nên đây không phải là trường hợp mồ côi cả cha lẫn mẹ hay bị bỏ rơi theo quy định pháp luật.
Trường hợp này chỉ có thể dựa vào căn cứ Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại mất tích theo quy định của pháp luật để cho bé được hưởng trợ cấp hàng tháng. Tuy nhiên, việc xác định người mẹ mất tích phải tuân theo quy định của pháp luật, tức là phải được Tòa án tuyên bố mất tích theo quy định tại Điều 68 Bộ luật Dân sự năm 2015. Khi Tòa án tuyên bố người mẹ của bé mất tích, bé mới có đầy đủ căn cứ pháp luật để được hưởng trợ cấp hàng tháng.
Thủ tục yêu cầu tuyên bố cá nhân mất tích được thực hiện như sau:
– Nộp hồ sơ yêu cầu tuyên bố một người mất tích tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bị yêu cầu mất tích cư trú cuối cùng;
– Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích, Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích;
– Thời hạn thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích là 04 tháng, kể từ ngày đăng, phát thông báo lần đầu tiên;
– Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo tìm kiếm thì Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu. Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất tích.
Theo bảng danh mục lệ phí Tòa án quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 thì lệ phí sơ thẩm giải quyết yêu cầu về dân sự, cụ thể yêu cầu tuyên bố một người mất tích là 300.000 đồng.Về lệ phí yêu cầu Tòa án tuyên bố cá nhân mất tích, Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án. Do đó, trường hợp của gia đình bạn có thể được xem xét miễn nộp lệ phí Tòa án.
Như vậy, Đối với trường hợp này, chúng tôi tư vấn như sau: bé 8 tuổi (được xác định là người có quyền , nghĩa vụ liên quan) có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố người mẹ mất tích theo quy định pháp luật để có đủ điều kiện hưởng trợ cấp hàng tháng. Tuy nhiên, do bé mới chỉ 8 tuổi, chưa đầy đủ năng lực hành vi dân sự, để thực hiện quyền này nên cần có người giám hộ đại diện thực hiện, đó là bà nội của bé. Do đó, bà nội của bé cần gửi đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố người mẹ của bé mất tích để làm hồ sơ cho bé được hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Tham khảo thêm bài viết: