Quyền chuyển đổi giới tính của nữ

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Quyền chuyển đổi giới tính của nữ?

Xin chào,

Tôi năm nay 25 tuổi, sống tại Hồ Chí Minh, tôi muốn chuyển giới tính của mình từ nữ thành nam thì có được không, có cần phải có điều kiện gì hay kết luận giám định y khoa gì không, thủ tục như thế nào, mong được mọi người hướng dẫn chi tiết, cám ơn nhiều.


Luật sư Tư vấn Luật Dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 25 tháng 08 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề chuyển đổi giới tính của nữ

  • Bộ luật Dân sự năm 2015;
  • Luật Hộ tịch năm 2014;
  • Nghị định 88/2008/NĐ-CP về xác định lại giới tính

3./ Luật sư tư vấn

Quyền chuyển đổi giới tính là quyền mới được công nhận trong Bộ luật Dân sự 2015. Tuy nhiên, hiện nay trong hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện việc chuyển đổi giới tính này. Do đó, để chuyển giới tính từ nữ sang nam, nếu thuộc trường hợp xác định lại giới tính, bạn có thể thực hiện thủ tục như sau:

Căn cứ Điều 37 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền chuyển đổi giới tính như sau:

“Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”

Quyền chuyển đổi giới tính dành cho những người không thuộc trường hợp  không bị khuyết tật bẩm sinh hoặc đã định hình chính xác mà muốn chuyển đổi giới tính nhờ sự can thiệp của y học. Tuy nhiên, quyền này mới chỉ nằm ở việc thừa nhận mà chưa được hiện thực hóa thành thủ tục trên thực tế cụ thể là người chuyển đổi giới tính cần cung cấp các hồ sơ tài liệu gì để làm các thủ tục cần thiết về đăng ký hộ tịch cho phù hợp.

Bên cạnh đó, Căn cứ Điều 36 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền xác định lại giới tính trong trường hợp sau:

Điều 36. Quyền xác định lại giới tính

1. Cá nhân có quyền xác định lại giới tính.

Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.

2. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”

Do đó, trường hợp người bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính  thì có thể thực hiện thủ tục như sau để xác định lại giới tính:

Căn cứ Điều 7, Nghị định 88/2008/NĐ-CP quy định về hồ sơ, thủ tục về y tế đề nghị xác định lại giới tính thì hồ sơ đề nghị xác định lại giới tính bao gồm:

-Đơn đề nghị xác định lại giới tính theo mẫu;

-Bản sao hợp lệ Giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân hoặc Sổ hộ khẩu hoặc Hộ chiếu;

Hồ sơ trên được gửi tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép can thiệp y tế để xác định lại giới tính;

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải xem xét và trả lời bằng văn bản cho người đề nghị xác định lại giới tính trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn. Nếu không chấp nhận thì phải trả lời và nêu rõ lý do bằng văn bản.

Như vậy, trường hợp bạn muốn thực hiện việc chuyển đổi giới tính, tại thời điểm hiện nay, bạn chưa thể thực hiện thủ tục liên quan đến quyền này mà chỉ có thể làm các thủ tục xác định lại giới tính nếu thuộc trường hợp cần xác định lại giới tính nêu trên.

Với những tư vấn về câu hỏi Quyền chuyển đổi giới tính của nữ, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

Tham khảo thêm bài viết:

1900.0191