Tư vấn về Việc lập Di chúc

Tư vấn về Việc lập Di chúc


Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2017

Tư vấn về Việc lập Di chúc
Tư vấn về Việc lập Di chúc

Kính gửi: Quý khách hàng

Cảm ơn quý khách hàng đã tin tưởng và liên hệ trao đổi về nhu cầu pháp lý tới công ty của chúng tôi. Liên quan đến vấn đề quý khách hàng quan tâm chúng tôi xin được đưa ra ý kiến tư vấn sơ bộ, kế hoạch thực hiện chi tiết như sau :

1. Căn cứ, quy định pháp luật

1.1 các quy định pháp luật về nội dung

– Từ Điều 624 đến Điều 639, Điều 645, 646, 651, 658 Bộ luật dân sự 2015;

– Điều 24 Luật nuôi con nuôi 2010.

1.2 Các quy định pháp luật về thủ tục, hình thức.

2. Phân tích các quy định pháp luật về việc lập di chúc

            Căn cứ vào các quy định pháp luật về thừa kế, di chúc được hiểu là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

2.1 Người lập di chúc

Người lập di chúc phải là người đã thành niên (từ đủ 18 tuổi) minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, cưỡng ép trong khi lập di chúc hoặc là người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ về việc lập di chúc. Người bị hạn chế về thể chất, người không biết chữ vẫn có thể lập di chúc. Có thể thấy rằng, những người bị hạn chế, mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi của mình là đối tượng không được lập di chúc; do di chúc được nhóm các đối tượng này lập ra có khả năng bị người khác ép buộc lừa dối, không phản ánh đúng ý chí của họ. Hay nói cách khác những di chúc này không mang bản chất thật sự của di chúc nên không được pháp luật công nhận là di chúc.

2.2 Quyền của người lập di chúc

Căn cứ vào Điều 626 BLDS 2015, Người lập di chúc có các quyền sau đây:

  • Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;
  • Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;
  • Danh một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;
  • Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;
  • Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý tài sản, người phân chia di sản.

Người lập di chúc có thể để lại tài sản của mình cho bất cứ ai, kể cả người thân, bạn bè, các tổ chức, doanh nghiệp… Người di chúc cũng có quyền truất quyền hưởng di sản của người thừa kế (cần tuyên bố rõ trong di chúc) nhưng đối với con chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi), cha, mẹ, vợ, chồng; con thành niên (từ đủ 18 tuổi) mà không có khả năng lao động, người di chúc không được truất quyền thừa kế của những người này và phần mà di chúc quyên bố rằng người để lại di chúc truất quyền thừa kế của những người này sẽ bị vô hiệu. Những người hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc trong tình huống này sẽ được hưởng ít nhất bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 644 BLDS 2015 này về những người hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc có quy định cha, mẹ là người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc nhưng lại không chỉ rõ rằng cha, mẹ theo quy định này là cha, mẹ đẻ; cha, mẹ nuôi; cha, mẹ vợ hay cha, mẹ chồng. Bản chất của việc để lại thừa kế cho cha, mẹ là do cha, mẹ là những người đã có công chăm sóc, dưỡng dục đối với người để lại di chúc nên khi người di chúc chết, cha mẹ đương nhiên có quyền được hưởng thừa kế. Dựa theo Điều 651.1a BLDS 2015 thì cha, mẹ vợ, cha mẹ chồng không thuộc hàng thừa kế khi chia thừa kế do vậy cha, mẹ theo quy định tại Điều 644 nói trên không bao gồm cha, mẹ vợ; cha, mẹ chống. Dựa theo Điều 24 LNCN 2010 về hệ quả của việc nuôi con nuôi thì kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi trừ khi cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác; do vậy, theo tinh thần của điều luật này thì tùy vào việc cha mẹ đẻ hay cha mẹ nuôi là bên đã có quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi trước khi người để lại di chúc được nhận làm con nuôi chết thì sẽ là đối tượng được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo Điều 644 BLDS 2015.

Về việc để lại một phần di sản để di tặng, thờ cúng. Pháp luật hiện nay chỉ quy định chung chung là một phần chứ không quy định rõ giá trị tối đa hay tối thiểu của phần di sản này một người được để lại là bao nhiêu. Tuy nhiên, có thể hiểu rằng người lập di chúc có thể để lại toàn bộ tài sản của mình để di tặng hoặc thờ cúng vì bản chất của di chúc là ý chí của người để lại di sản. Mặt khác, căn cứ theo Điều 658 BLDS về thứ tự ưu tiên thanh toán thì toàn bộ tài sản lúc này phải được hiểu là phần tài sản còn lại sau khi di sản đã được dùng thể thực hiện tất cả các nghĩa vụ được liệt kê trong Điều 658 này (nếu có) (bao gồm: chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng còn thiếu, chi phí cho việc bảo quản di sản, tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ, tiền công lao động, tiền bồi thường thiệt hại, thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước, các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân, tiền phạt). Phần tài sản di tặng hoặc dùng để thờ cúng cần được ghi rõ trong di chúc. Di sản được dùng để thờ cúng sẽ không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý (lưu ý người này không đồng nghĩa với người quản lý di sản được chỉ định trong di chúc) để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng. Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng. Tài sản di tặng chỉ được chia cho người được di tặng nếu còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết trong trường hợp là cá nhân hoặc phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế trong trường hợp người di tặng không phải là cá nhân. Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này.

Người lập di chúc có thể giao nghĩa vụ cho người thừa kế tuy nhiên, nghĩa vụ này chỉ trong khả năng và phạm vi phần tài sản mà người lập di chúc để lại cho người thừa kế được giao nghĩa vụ.

Tất cả các quyền trên và quyền chỉ định người giữ di chúc, người quản lý tài sản, người phân chia tài sản đều là quyền của người lập di chúc. Việc không sử dụng các quyền này của mình không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của di chúc. Mặc dù vậy, pháp luật quy định các quyền này của người lập di chúc với mong muốn định hướng và mong muốn người lập di chúc sử dụng các quyền này của mình.

2.3 Hình thức, hiệu lực của di chúc

Di chúc có thể được lập bằng văn bản hoặc bằng miệng. Thường di chúc sẽ tồn tại dưới dạng văn bản, tuy nhiên do trong các trường hợp cấp thiết, như người lập di chúc không còn đủ khả năng để lập một di chúc bằng văn bản, người ta vẫn sử dụng di chúc bằng miệng. Tuy nhiên, pháp luật vẫn khuyến khích công dân lập di chúc bằng văn bản do tính ổn định và đảm bảo tính xác thực của nó. Di chúc bằng văn bản trong trường hợp không có di chúc nào được lập ra sau đó (kể cả di chúc bằng miệng) sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm mở thừa kế. Đối với di chúc bằng miệng, pháp luật chỉ cho phép lập di chúc bằng miệng trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản. Do tính kém xác thực của di chúc bằng miệng, (ví dụ các người làm chứng có thể thông đồng với nhau để làm sai lệch ý chí của người để lại di chúc) nếu sau 3 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ. Việc đáp ứng các yêu cầu còn sống, minh mẫn, sáng suốt phải được xảy ra đồng thời. Điều này đặt ra một số trường hợp:

– Thứ nhất, nếu người di chúc chết trong thời hạn 3 tháng kể từ khi để lại di chúc miệng thì di chúc miệng này có hiệu lực và hủy hỏ hiệu lực của các di chúc trước (không kể hình thức của các di chúc trước được lập bằng văn bản hay bằng miệng);

– Thứ hai, nếu người di chúc còn sống sau khi để lại di chúc miệng (không kể thời gian còn sống là bao lâu) nhưng không minh mẫn hoặc sáng suốt thì di chúc miệng cũng có hiệu lực như trường hợp thứ nhất;

– Thứ ba, nếu người di chúc còn sống sau thời hạn 3 tháng kể từ ngày lập di chúc và minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng hết hiệu lực.

Trong trường hợp thứ ba được nêu ra, phát sinh vấn đề là khi di chúc miệng có hiệu lực, di chúc này đã tự đồng hủy bỏ hiệu lực của các di chúc trước nhưng sau đó chính di chúc này lại bị hết hiệu lực nên nếu người di chúc sau khi đã minh mẫn, sáng suốt mà không lập một di chúc mới (bằng văn bản) thì sẽ coi như không để lại di chúc.

Trong các trường hợp bình thường, việc đáp ứng điều kiện về chủ thể cũng như nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật sẽ đảm bảo hiệu lực pháp luật của di chúc nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, như: di chúc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc người không biết chữ phải được lập thành văn bản. Hay nói cách khác hình thức của di chúc ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của di chúc trong một số trường hợp.

2.4 Làm chứng, công chứng, chứng thực cho di chúc.

Di chúc có thể lập mà có hoặc không có người làm chứng.

Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc nhưng để tránh tình trạng các bên lợi dụng việc làm chứng để làm thay đổi nội dung di chúc hay ý chí của người lập di chúc, người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi của mình sẽ không được làm chứng cho việc lập di chúc.

Trong trường hợp di chúc bằng văn bản không có người làm chứng thì người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc. Do không có người làm chứng nên cách duy nhất để chứng minh rằng di chúc đã được chính người để lại di chúc lập là nét chữ của người ấy. Di chúc viết tay loại này thường sẽ cần được giám định nét chữ trước khi thực hiện chia thừa kế để đảm bảo là của người lập di chúc, không có sự giả mạo.

Trong trường hơp di chúc bằng văn bản có người làm chứng (ít nhất phải có 2 người làm chứng) thì di chúc có thể do người lập di chúc tự viết, tự đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy sau đó người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt nhứng người làm chứng, những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc. Yêu cầu điểm chỉ và ký trong trường hợp này để chứng minh việc người lập di chúc khẳng định di chúc này thể hiện ý trí của chính mình nhưng do sự có mặt của người khác trong việc lập di chúc gia tăng khả năng người lập di chúc bị cưỡng chế, ép buộc trong việc lập di chúc nên việc lựa chọn người làm chứng cần được xem xét, quan tâm đến quan hệ giữa người lập di chúc với người làm chứng, giữa những người làm chứng và giữa những người làm chứng và người hưởng thừa kế.

Về việc công chứng di chúc thì không bắt buộc đối với di chúc được lập bằng văn bản, nhưng là thủ thục bắt buộc đối với di chúc bằng miệng (Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.)

2.5 Địa điểm lập di chúc

Di chúc có thể được lập ở nhà riêng, tại tổ chức hành nghề công chứng, Ủy ban nhân dân xã …

2.6 Nội dung của di chúc.

Trước hết, nội dung của di chúc phải đáp ứng các điều khoản chủ yếu sau:

– Ngày, tháng, năm lập di chúc;

– Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

– Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

– Di sản để lại và nơi có di sản.

Ngoài các nội dung trên, di chúc có thể có các nội dung khác. Mặc dù pháp luật quy định rất chung chung về nội dung di chúc và để cho người lập di chúc tự do thể hiện ý chí của mình nhưng phần này của di chúc lại tiềm ẩn khả năng xảy ra tranh chấp khi mở thừa kế, do vậy người lập di chúc cần đặc biệt quan tâm đến nội dung di chúc.

Khi lập nội dung của di chúc, người để lại di chúc cần lưu ý các điểm sau:

  • Nội dung di chúc cần rõ ràng, chi tiết, thể hiện đúng nhất, chính xác nhất mong muốn của người để lại di chúc.
  • Từ ngữ sử dụng trong di chúc chỉ thể hiện một nghĩa, tránh tình trạng đa nghĩa, khiến ý chí của người để lại di chúc không được thực hiện đúng khi chia thừa kế.
  • Cần ghi rõ khối tài sản để lại cho những người thừa kế và các tài liệu kèm theo đảm bảo quyền sở hữu của những người thừa kế sau này (ví dụ: đối với di sản là đất thì cần kèm theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, chứng minh thư nhân dân của người được cấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất…)
  • Cần ghi rõ các thức chia (ví dụ: chia căn nhà tại số 3 đường K, phường X, quận Y, HN rộng G mét vuông bề rộng ra sao, chiều dài như thế nào từ A đến B, thành 2 phần theo chiều dọc căn nhà vuông góc với trục đường K)
  • Nên chỉ định rõ người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia tài sản.

Ngoài ra, di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xoá, sửa chữa.

Văn phòng Luật và Luật sư sẽ giúp được gì cho các bạn

            Từ những quy định trên và dựa vào nhu cầu, điều kiện của anh/ chị và công ty, chúng tôi có thể hỗ trợ anh/ chị thực hiện những công việc sau:

  • Lập di chúc
  • Bảo đảm tính pháp lý của di chúc
  • Bảo hộ di chúc
  • Lưu giữ, công bố di chúc
  • Công chứng di chúc

Kết luận

Trên đây là những tư vấn của công ty chúng tôi về việc lập di chúc. Hi vọng rằng những thông tin mà chúng tôi cung cấp có ích đối với anh/ chị. Nếu anh chị có thắc mắc gì thêm về vấn đề này hoặc muốn sử dụng dịch vụ lập di chúc của chúng tôi, hãy liên hệ qua địa chỉ email luatlvn@gmail.com hoặc số điện thoại 1900.0191 hoặc trực tiếp đến văn phòng tư vấn của công ty tại Số 3 Cao Đạt, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Trân trọng!


 

1900.0191