Bị cáo có kháng cáo có được hoãn phiên tòa phúc thẩm lần 2 vì lý do sức khỏe không?

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Bị cáo có kháng cáo có được hoãn phiên tòa phúc thẩm lần 2 vì lý do sức khỏe không?

Người nhà họ phạm tội trộm cắp tài sản. Năm 2016 đã bị Tòa xét xử sơ thẩm với mức án là 18 tháng tù, gia đình họ đã làm kháng cáo, số tiền trộm cắp là 18 triệu đồng, 23 tuổi. Hiện nay đang làm phúc thẩm, tuy nhiên bị cáo đang bị bệnh nặng và phải nhập viện điều trị, nay họ nhận được giấy triệu tập làm việc của tòa phúc thẩm. Lần 1 đã xin hoãn vì tình trạng sức khỏe không tốt, cần chữa trị. Lần 2 cũng vì lý do này, tình trạng bệnh có chuyển biến xấu cần được theo dõi và điều trị nên cũng không thể lên được. Họ có thể hoãn lần thứ 2 mà không bị hủy yêu cầu kháng cáo không. Họ có yêu cầu bệnh viện cấp bệnh án nhưng bệnh viện không cấp mà chỉ cấp giấy nhập viện và hiện đang nằm viện, như vậy thì có được không. Nếu bây giờ mà họ muốn giảm nhẹ hình phạt cho người này thì phải làm thế nào, phải nộp những gì về chứng minh. Có tiền án về trộm cắp tài sản 1 lần rồi.


Luật sư Tư vấn Bộ luật Tố tụng hình sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 13 tháng 09 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Hoãn phiên tòa phúc thẩm

  • Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
  • Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
  • Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009

3./ Luật sư tư vấn

Thông thường việc xét xử phúc thẩm sẽ chỉ diễn ra khi có kháng cáo của người có quyền lợi bị ảnh hưởng hoặc khi có kháng nghị của Viện Kiểm sát cho rằng bản án ,quyết định sơ thẩm đối với vụ án là không đúng trong thời gian bản án, quyết định của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật. Một khi kháng cáo, kháng nghị được chấp nhận thì Tòa án sẽ tiến hành xét xử phúc thẩm theo quy định, trong đó có việc mở phiên tòa xét xử phúc thẩm. Trong trường hợp người kháng cáo không thể tham gia phiên tòa nên muốn rời thời gian mở phiên tòa xét xử phúc thẩm thì:

Điều 352 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về các trường hợp được hoãn phiên tòa phúc thẩm thì:

1.Tòa án cấp phúc thẩm chỉ được hoãn phiên tòa khi thuộc một trong các trường hợp:

a)Có một trong những căn cứ quy định tại các điều 52, 53, 349, 350 và 351 của Bộ luật này;

b)Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa. …

Mà các Điều 52, 53, 349 và Điều 350 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định lại quy định về trường hợp thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm phán, Hội thẩm; khi Thẩm phán không tiếp tục tham gia phiên tòa mà không có thẩm phán dự khuyết hoặc hải thay đổi chủ tọa phiên tòa mà không có Thẩm phán để thay thế; phiên tòa không có hoặc Kiểm sát viên không tham gia mà không có Kiểm sát viên dự khuyết. Mà điểm b và điểm c Khoản 1 Điều 351 Bộ luật Tố tụng hình sự:

“… b)Trường hợp người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị là bị hại, đương sự và người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử. Trường hợp những người này vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Hội đồng xét xử có thể tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi cho bị hại, đương sự;

c)Bị cáo có kháng cáo hoặc bị kháng cáo, bị kháng nghị nếu vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Hội đồng xét xử có thể vẫn tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án, quyết định không có lợi cho bị cáo. Nếu sự vắng mặt của bị cáo vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan và sự vắng mặt đó không gây trở ngại cho việc xét xử thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử.”

Theo đó, bị cáo kháng cáo không có mặt tại phiên tòa xét xử phúc thẩm do có lý do chính đáng mà sự tham gia của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử thì Hội đồng xét xử mới có thể tiến hành xét xử nhưng bản án, quyết định phúc thẩm không được ra theo hướng không có lợi cho bị cáo. Trong trường hợp còn lại, Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa.

Trong trường hợp của bạn thì việc hoãn phiên tòa sẽ được đưa ra khi bạn chứng minh được mình có lý do chính đáng để không tham gia phiên tòa.

Về thời hạn hoãn phiên tòa và quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm thì Khoản 2 Điều 352 Bộ luật Tố tụng hình sự có quy định dẫn chiếu tới Điều 297 Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo đó, thời hạn hoãn phiên tòa không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa và không quy định về số lần hoãn. Do đó, bị cáo có kháng cáo có thể hoãn lần 2 mà không bị hủy kháng cáo nếu đưa ra được việc mình vắng mặt là do sự kiện bất khả kháng hoặc vì trở ngại khách quan.

Về việc yêu cầu bệnh viện cấp bệnh án nhưng bệnh viện không cấp mà chỉ cấp giấy nhập viện và hiện đang nằm viện thì theo quy định bạn chỉ được cấp bản sao hồ sơ bệnh án. Điều 11 Luật khám bệnh, chữa bệnh quy định người bệnh được cung cấp thông tin tóm tắt về hồ sơ bệnh án nếu có yêu cầu bằng văn bản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trong trường hợp bệnh viện vẫn không cấp bản sao hồ sơ bệnh án cho bạn thì bạn có thể yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp hoặc giao các giấy tờ có thể dùng để chứng minh việc bị cáo có kháng cáo vì lý do sức khỏe (như giấy nhập viện và hiện đang nằm viện cảu cơ sở y tế) nên không thể tham gia phiên tòa.

Điều 51 Bộ luật Hình sự quy định:

“1.Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a)Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b)Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

c)Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

d)Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

đ)Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;

e)Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;

g)Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

h)Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; …

k)Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;

l)Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;

m)Phạm tội do lạc hậu;

n)Người phạm tội là phụ nữ có thai; …

p)Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

q)Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

r)Người phạm tội tự thú;

s)Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
t)Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;

u)Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

v)Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;

x)Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.

2.Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.”

Theo đó, các tình tiết trên được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định. Họ có thể tham khảo quy định trên để nhìn nhận việc có thể sử dụng thêm tình tiết giảm nhẹ nào để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong xét xử phúc thẩm.

Như vậy, trong trường hợp trên bạn chỉ cần xin bản sao hồ sơ bệnh án và gửi tới Tòa án để chứng minh việc người kháng cáo không thể đến tham gia phiên xét xử vì lý do sức khỏe, và khi đó Tòa án sẽ phải hoãn phiên tòa để mở một phiên tòa khác với sự tham gia của người kháng cáo.

Với những tư vấn về câu hỏi Bị cáo có kháng cáo có được hoãn phiên tòa phúc thẩm lần 2 vì lý do sức khỏe không?, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191