Câu hỏi của khách hàng: Bố mất con có được hưởng phần thừa kế mà bố được hưởng không?
Xin chào Anh Chị trong Hội !
Xin anh chị giúp đỡ tư vấn về chuyện của em được không ạ ? Em đang hoang mang quá ạ!
Chuyện là vầy: Trước khi mất ông Nội em lập ra Di Chúc để lại căn nhà cho bà nội em và 3 người con trai trong đó có phần của ba em luôn ạ!
Lập di chúc xong thì vài tháng sau là ông nội em mất. Rồi tiếp theo 1 năm sau nữa là ba em mất lúc đó năm 2011.
Và hiện nay là căn nhà đó Bà nội em và hai chú của em đang âm thầm bán giấu em toàn bộ về mọi thứ. Họ chỉ nói bán nhà xong xuôi thì cho em 300 triệu thôi !
Vậy xin cho em hỏi là khi mà họ bán nhà như vậy em có được hưởng 1 phần của ba em theo quyền thừa kế để lại cho em không ạ ?!
Xin mọi người tư vấn giúp em với ạ !
Vì cuối tháng 5 này là họ dọn đi mất rồi em không biết phải làm sao ạ!
Em cám ơn ! Xin mọi người giúp em a !
Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 07/12/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Quyền hưởng phần tài sản mà bố được thừa kế
- Bộ luật dân sự năm 2015
- Bộ luật dân sự năm 2005
3./ Luật sư trả lời Bố mất con có được hưởng phần thừa kế mà bố được hưởng không?
Theo thông tin bạn cung cấp thì hai việc thừa kế (quyền thừa kế của bố bạn đối với di sản của ông bạn để lại và quyền thừa kế của bạn đối với phần di sản của bố bạn) phát sinh là vào năm 2010 và 2011. Do vậy, pháp luật áp dụng trong việc xử lý thừa kế là pháp luật tại thời điểm đó, tức là Bộ luật dân sự được áp dụng là Bộ luật dân sự năm 2005.
Trước tiên, căn cứ vào Khoản 1 Điều 633 Bộ luật dân sự năm 2005 thì thời điểm mở thừa kế được xác định là thời điểm người có tài sản chết. Tức là thời điểm mở thừa kế sẽ là thời điểm ông của bạn mất.
Mà tại thời điểm đó bố của bạn vẫn còn sống, nên, theo quy định tại Điều 635 Bộ luật dân sự năm 2005, bố của bạn được xác định là một trong số những người thừa kế. Do vậy, bố bạn sẽ được nhận phần di sản mà ông của bạn để lại theo nội dung di chúc (trừ trường hợp di chúc của ông bạn để lại là không hợp pháp).
Theo đó, bố bạn được xác định là chủ sở hữu của phần di sản mà ông bạn đã viết di chúc để lại cho bố của bạn.
Tương tự, khi bố bạn mất vào năm 2011, bạn được xác định là một (trong những) người thừa kế. Bạn có quyền nhận một phần (hoặc toàn bộ) di sản mà bố bạn để lại, trong đó, bao gồm cả phần tài sản mà bố bạn được nhận theo di chúc mà ông của bạn để lại.
Tức là sau khi bố của bạn mất, bạn sẽ được xác định là một chủ sở hữu của phần tài sản là căn nhà. Phần quyền của bạn đối với căn nhà được xác định dựa trên phần di sản của bố bạn để lại mà bạn nhận được khi thừa kế theo pháp luật.
Với thông tin bạn đưa ra thì bố của bạn mất không để lại di chúc, do vậy, việc chia di sản của bố bạn được thực hiện theo quy định về thừa kế theo pháp luật. Theo đó, số di sản của bố của bạn sẽ được chia đều thành nhiều phần bằng nhau để chia cho những người thuộc cùng một hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005:
“Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật
1.Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a)Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; …”
Về việc bà nội của bạn cùng hai người chú của bạn bán căn nhà, đây được xác định là quyền định đoạt tài sản. Căn cứ Điều 218 Bộ luật dân sự năm 2015 (do việc định đoạt này được thực hiện tại thời điểm gần đây, khi Bộ luật dân sự năm 2015 đã phát sinh hiệu lực nên Bộ luật dân sự năm 2015 được áp dụng để xác định quyền, giải quyết tranh chấp):
“Điều 218. Định đoạt tài sản chung
1.Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình.
2.Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật. …”
Theo đó, việc bán căn nhà (mà bạn được xác định là một chủ sở hữu chung) phải có sự đồng ý của bạn. Khi bạn không đồng ý mà những người còn lại vẫn bán tài sản của bạn (tức là phần quyền đối với một phần của căn nhà) thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng mua bán đó là vô hiệu theo thủ tục tố tụng dân sự. Nhưng trước khi đưa ra Tòa án yêu cầu giải quyết, bạn nên tiến hành làm việc, thỏa thuận với những người chủ sở hữu còn lại để tìm cách giải quyết tối ưu nhất.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn được xác định là một chủ sở hữu chung của căn nhà đó, việc bán nhà cần phải có sự đồng ý của bạn. Khi việc bán nhà không có sự đồng ý của bạn, bạn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng đó là vô hiệu theo thủ tục tố tụng dân sự khi các bên không giải quyết được tranh chấp phát sinh.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.