Câu hỏi của khách hàng: Đất cho mượn từ năm 1976 nay muốn đòi lại thì có đòi được không
Xin cho em hỏi vấn đề này với ạ.
Gia đình em có một mảnh đất tổ nghiệp tại xã HH, huyện HK, HT của ông bà để lại. Năm 1976, vì thương tình ông bà em đã cắt 1 phần đất vườn đó cho ông T…, một người chạy loạn từ huyện Thạch Hà mượn tạm để ở. Từ năm 1996 đến nay, gia đình em muốn lấy lại mảnh vườn đó nhưng gia đình bà Đ… (con gái ông T…) không chịu trả lại mà còn đánh đập nguời nhà em nữa. Điều đáng nói là mặc dù đất còn tranh chấp nhưng UBND xã HH vẫn cấp sổ đỏ cho bà Đ…, và hiện tại bà ấy đã bán mảnh đất đó cho người khác.
Vì muốn giữ lại phần đất Tổ nghiệp nên gia đình em đã nhiều lần gõ cửa chính quyền, toà án nhân dân huyện HK nhưng họ chỉ chuyển hồ sơ về xã HH.
Cách đây gần 1 năm, gia đình em có đổ 1 ít gạch lên mảnh đất đó và bị UBND xã HH yêu cầu cưỡng chế di dời đi chỗ khác.
Vậy cho em hỏi, việc làm của UBND xã HH là đúng hay sai?
Liệu gia đình em có lấy lại được mảnh đất đó nữa không? Nếu được thì gia đình em cần phải làm những thủ tục gì?
Em mong được tư vấn giúp. Em xin cảm ơn nhiều ạ.
Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 11/12/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Quyền đòi lại đất khi cho người khác mượn
- Luật Đất đai 2013
- Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
- Bộ luật dân sự năm 2015
- Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai
3./ Luật sư trả lời Đất cho mượn từ năm 1976 nay muốn đòi lại thì có đòi được không
Theo thông tin bạn cung cấp, mảnh đất hiện đang tranh chấp được ông bà của bạn cắt cho ông T mượn vào năm 1976. Từ năm 1996 đến nay, mảnh đất đó xảy ra tranh chấp về quyền sử dụng đất giữa gia đình bạn và bà Đ (con của ông T) nhưng Ủy ban nhân dân vẫn cấp sổ đỏ cho mảnh đất đó. Nên, bà Đ đã bán mảnh đất này cho một bên thứ ba. Việc giải quyết trong trường hợp của bạn cần dựa vào một số yếu tố nhất định.
Do, bạn không nêu rõ thời điểm bà Đ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nên tôi lựa chọn áp dụng pháp luật hiện đang có hiệu lực. Tùy vào từng thời điểm cụ thể phát sinh sự việc mà sự việc có thể có những thay đổi nhất định.
Thứ nhất, bạn cần xác định việc bán quyền sử dụng đất giữa bà Đ và bên thứ ba có được thực hiện đúng theo quy định (tức là hợp đồng có công chứng, chứng thực, bên thứ ba đã được cấp Giấy chứng nhận mang tên bản thân chưa).
+Nếu hợp đồng chuyển nhượng trên được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật (không có yếu tố làm hợp đồng vô hiệu), đã được cấp Giấy chứng nhận thì bên thứ ba vẫn sẽ được xác lập quyền sở hữu đối với quyền sử dụng mảnh đất trên theo quy định tại Khoản 3 Điều 133 Bộ luật dân sự. Theo đó, bạn sẽ không có quyền đòi tài sản từ người thứ ba, nhưng gia đình bạn lại có quyền yêu cầu bà Đ hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại theo quy định tại Khoản 3 Điều 133 Bộ luật dân sự.
+Nếu hợp đồng chuyển nhượng trê không hợp pháp thì việc chuyển nhượng giữa bà Đ và bên thứ ba không có giá trị pháp lý, do vậy, bà Đ vẫn sẽ được xác định là chủ sở hữu quyền sử dụng mảnh đất trên. Việc bà Đ đã ký hợp đồng chuyển nhượng cho người kia không làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bạn đối với mảnh đất.
Theo đó, bạn chỉ cần chứng minh được quyền sở hữu phần đất đang tranh chấp của gia đình bạn là bạn có thể thực hiện việc yêu cầu bà Đ trả lại mảnh đất hoặc hoàn trả chi phí (nếu bạn không có quyền đòi lại mảnh đất từ người đang sử dụng mảnh đất trên).
Thứ hai, theo thông tin bạn cung cấp thì việc bà Đ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không phù hợp với quy định của pháp luật, bởi:
Thủ tục bà Đ thực hiện là thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất khi đang sử dụng đất nhưng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất. Căn cứ Điều 101 Luật đất đai thì một trong những điều kiện bắt buộc để bà Đ được cấp Giấy chứng nhận chính là đất phải “không có tranh chấp”. Mà như bạn trình bày, thì thời điểm bà Đ xin cấp Giấy chứng nhận hai bên đã có tranh chấp. Do vậy, theo quy định của pháp luật, cơ quan có thẩm quyền (ở đây là Văn phòng đăng ký đất đai- UBND cấp huyện không phải là UBND xã, UBND xã chỉ là chủ thể tiếp nhận và trả kết quả) không được cấp Giấy chứng nhận cho bà Đ.
Gia đình bạn có thể làm đơn khiếu nại quyết định cấp Giấy chứng nhận trên của Văn phòng đăng ký đất đai theo quy định của pháp luật để yêu cầu chủ thể có thẩm quyền giải quyết. Khi đó, nếu đúng như những gì bạn đã đưa ra, quyết định cấp Giấy chứng nhận trên sẽ bị hủy theo đúng quy định. Khi nào tranh chấp được giải quyết thì người có quyền sử dụng mảnh đất trên sẽ có quyền xin cấp Giấy chứng nhận.
Tuy nhiên, bạn cần chú ý trình tự tiến hành khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp quyền sở hữu quyền sử dụng đất để tiến hành đúng trình tự, để tranh chấp được giải quyết.
Căn cứ Điều 203 Luật đất đai và Mục 4 Chương VII Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì việc giải quyết tranh chấp đất đai phải được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã trước khi được giải quyết tại Tòa án nhân dân theo thủ tục tố tụng dân sự (Khoản 1 Điều 203 Luật đất đai)
Theo đó, để được giải quyết tranh chấp trên, bạn cần làm đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tới UBND xã để tiến hành hòa giải. Sau khi hòa giải tại UBND xã mà gia đình bạn không đồng ý với kết quả hòa giải, bạn mới có quyền thực hiện thủ tục khởi kiện tại Tòa án (trong hồ sơ khởi kiện ngoài đơn khởi kiện còn phải có Biên bản hòa giải của UBND và các tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu của gia đình là hợp pháp)
Căn cứ Khoản 2 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự thì “tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản” là tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Mà theo quy định tại Điều 35 và điểm c Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong trường hợp của bạn (đồng thời là Tòa án mà bạn phải gửi hồ sơ khởi kiện) thường là Tòa án nhân dân cấp huyện ở nơi có bất động sản (tức là Ủy ban nhân dân huyện HK.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, việc cấp Giấy chứng nhận cho bà Đ của chủ thể có thẩm quyền khi đất đang có tranh chấp là không phù hợp với quy định của pháp luật. Gia đình bạn có quyền khiếu nại để yêu cầu chủ thể có thẩm quyền hủy Giấy chứng nhận được cấp sai quy định. Trong trường hợp gia đình bạn có quyền đòi lại quyền sử dụng đất thì gia đình bạn có quyền khởi kiện để đòi lại quyền sở hữu đối với quyền sử dụng mảnh đất trên sau khi hòa giải tại UBND. Nếu không, gia đình bạn có quyền yêu cầu bà Đ thực hiện nghĩa vụ hoàn trả và bồi thường theo quy định.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.