Đất đo thừa nhưng đã sử dụng lâu năm thì có coi là lấn chiếm

Câu hỏi của khách hàng: Đất đo thừa nhưng đã sử dụng lâu năm thì có coi là lấn chiếm

Luật sư cho mình hỏi
Nhà mình xây nhà cách đây 18 năm và có để lại đường ống nước sau nhà và đường ống nước nằm tiếp giáp với với đường vào trong ngõ. Do xe cộ đi vào quá nhiều nên làm vỡ đường ống. Cách đây 8 năm nhà mình có xây bờ gạch cao lên, tránh vỡ đường ống. Cách đây ít ngày ngõ làm lại đường và đã làm bật tung bờ gạch đó lên và nói sẽ xây trả nhưng họ không xây lại và gia đình mình tự xây lại, hôm sau khi nhà mình không có ai ở nhà họ phá đi và nói gia đình mình xây lấn ra ngoài.
Cho hỏi như vậy có phải là phá hoại tài sản nhà người khác không ạ.
Cái thứ hai là năm vừa rồi địa chính đo đạc lại đất và nhà mình bị thừa ra 36m2 so với bìa đỏ. Do đất là đất từ thời xa xưa các cụ để lại cọc mốc như nào thì gia đình vẫn làm như vậy. Hiện giờ ngõ đấy đâm đơn kiện gia đình mình là lấn chiếm đất. Và mình xin hỏi là gia đình mình nên giải quyết như thế nào ạ.


Luật sư Tư vấn Luật đất đai – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 23/10/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Xác lập quyền với phần đất lấn chiếm

  • Luật đất đai năm 2013
  • Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017
  • Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai

3./ Luật sư trả lời Đất đo thừa nhưng đã sử dụng lâu năm thì có coi là lấn chiếm

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của pháp luật, và cũng đã đưa ra nhiều văn bản pháp luật nhằm điều chỉnh, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các chủ thể sử dụng đất. Việc xác lập quyền sở hữu đối với phần đất thừa so với giấy chứng nhận đã sử dụng từ lâu và quyền của người sở hữu tài sản trên phần đất lấn chiếm được quy định như sau:

Tình huống này có hai vấn đề cần giải quyết thứ nhất là về hành vi phá hoại tài sản của chủ thể nào đối với gia đình bạn, thứ hai là việc đất bị thừa so với sổ đỏ sử dụng từ lâu có được xác định là lấn chiếm không.

-Việc bờ gạch nhà bạn xây cao lên bị xóm phá tung ra có phải là phá hoại tài sản hay không thì cần xác định chủ thể thực hiện hành vi này là ai, và hành vi được thực hiện trong hoàn cảnh nào, thiệt hại là bao nhiêu?

Trong trường hợp của bạn, ngay cả khi phần đất bạn dùng để xây dựng phần tường không phải là của nhà bạn thì việc cố ý phá tường của người khác (không phải các chủ thể có thẩm quyền đã thực hiện theo đúng thủ tục) luôn là hành vi vi phạm pháp luật. Không cần biết tài sản trên được xây ở đâu, đây đều là tài sản của bạn, người khác phải tôn trọng quyền đó. Khi bạn xây trên phần đất của người khác, người này cũng phải yêu cầu bạn phá dỡ, không được tự ý thực hiện. Việc tự ý thực hiện chỉ xảy ra khi bên kia có thông báo nhưng bạn cố tình không thực hiện theo.

Và khi gây thiệt hại, người có hành vi có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại một cách kịp thời. Nếu người đó không bồi thường, bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết. Ngoài ra, nếu giá trị của phần tường bị phá này thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự:

“Điều 178.Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

1.Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm; 

b)Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; 

c)Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; 

d)Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; 

đ)Tài sản là di vật, cổ vật. …”

-Về việc đất đo thừa đã sử dụng lâu năm có bị coi là lấn chiếm hay không. Căn cứ vào các tình tiết bạn đưa ra, gia đình bạn đã sử dụng đất này xây dựng nhà ở rất lâu  rồi (cách đây 18 năm, tức là từ năm 2000) theo mốc giới mà các cụ cắm cọc mốc giới. Phần đất bị chênh lệch giữa thực tế sử dụng và sổ đỏ là 36 mét vuông.

Căn cứ Điều 101 Luật đất đai:

“Điều 101.Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất

1.Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

2.Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. …”

Theo đó, nếu đáp ứng được các yêu cầu trên, bạn có quyền xin chủ thể có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận theo quy định cho mảnh đất này.

Như bạn trình bày thì mảnh đất này đã được gia đình bạn sử dụng ổn định, lâu dài, không tranh chấp nhiều năm nay, đồng thời đây là mảnh đất được ông bà tổ tiên để lại cho gia đình bạn. Tuy nhiên, do bạn chưa làm giấy chứng nhận trước đó nên, hiện giờ, có đơn về việc sử dụng đất này của bạn, phần đất trên vẫn bị coi là có tranh chấp và không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận.

Như vậy, người đã bị phá phần đường ống nước của gia đình bạn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình bạn. Nếu người này không bồi thường thiệt hại thì bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án yêu cầu bồi thường. Ngoài ra, dựa trên giá trị tài sản bị thiệt hại mà người này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc hình sự. Còn hiện tại, phần đất kia không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận cho gia đình bạn.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191