Câu hỏi của khách hàng: Đất thừa kế đã tách thửa thì có được yêu cầu chia lại không
Xin chào luật sư
Cho tôi xin hỏi
Bà tôi mất năm 1968, bà có 2 người gái. Khi bà mất, bà có để lại một mảnh đất. Hai người con mỗi người sống một bên đất. Người con gái lớn thì âm thầm làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đứng tên toàn bộ diện tích đất. Đến năm 2007 thì người em gái mới đòi chị mình chia ra và làm giấy CNQSDĐ, thì người chị vẫn đồng ý nhưng chia cho người em ít hơn (diện tích nhỏ hơn ). Nhưng đến năm 2017 thì em người xây dựng nhà sát ranh đất. Thì người chị cứ kiếm chuyện cản trở, nói là lấn sang phần đất của người chị.
Nay người em gái muốn chia lại phần đất cho đều và công bằng giữa 2 bên, vì khi lúc bà mất bà không có làm di chúc. Có được không. Và làm như thế nào.
Xin chân thành cám ơn
Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 08/12/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Điều kiện yêu cầu chia lại thừa kế
- Bộ luật dân sự năm 2015
- Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
3./ Luật sư trả lời Đất thừa kế đã tách thửa thì có được yêu cầu chia lại không
Theo thông tin bạn cung cấp thì năm 1968 bà của bạn- lúc đó là chủ sở hữu của mảnh đất mất nhưng không để lại di chúc. Đến năm 2007, tức là 39 năm sau thời điểm mở thừa kế thì giữa 2 người thừa kế mới phát sinh mâu thuẫn, nên, việc giải quyết mâu thuẫn này sẽ được giải quyết theo hướng tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, không phải tranh chấp về thừa kế, bởi, tính tới năm 2007 đã hết thời hạn khởi kiện tranh chấp về thừa kế.
Căn cứ Khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự thì:
“Điều 623. Thời hiệu thừa kế
1.Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a)Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b)Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
2.Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. …”
Tuy nhiên, hai bên hòa giải được và đã tiến hành làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo nội dung thỏa thuận của hai bên.
Do vậy, tính từ thời điểm làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hai bên trở đi, mảnh đất này đã được xác định quyền sử dụng đất xong, việc chia thừa kế cũng bị coi là hoàn thành. Các bên không có quyền yêu cầu chia thừa kế lại.
Tuy nhiên, tới năm 2017, hai bên lại phát sinh tranh chấp về việc xác định ranh giới đất. Người chị thì cho rằng việc xây nhà của người em là vượt ranh giới đất nhưng người em thì cho là “sát ranh giới”.
Để giải quyết tranh chấp trên, hai bên có thể tự hòa giải hoặc thông qua Ủy ban nhân dân xã,… đứng ra làm trung gian hòa giải. Nếu không thể hòa giải, hai bên có thể đề nghị Ủy ban nhân dân tiến hành đo đạc địa chính để xác định ranh giới đất, xem ai là bên đúng để tiến hành giải quyết. Nếu vẫn không thể giải quyết được, hai bên có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Bởi, theo quy định tại Khoản 9 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự thì “tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai; tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng” là tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, việc yêu cầu chia lại thừa kế là không phù hợp với quy định của pháp luật, nhưng hai bên tranh chấp có thể yêu cầu chủ thể có thẩm quyền xác định lại ranh giới đất để giải quyết tranh chấp trên.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.