Câu hỏi của khách hàng: Hợp đồng ủy quyền đã ký và công chứng thì có hủy được không
Giúp mình tư vấn trường hợp này với:
Gia đình mình đã ra Phòng Công chứng để ký giấy ủy quyền cho 1 người trong việc người đó sẽ thay mặt giải quyết các vấn đề về đất thuộc quyền sử dụng đất của ba mẹ mình.
Nhưng đến nay, gia đình mình vẫn chưa nhận được 1 bản của giấy ủy quyền. Vậy bây giờ mình “lật ngược” lại được không thưa các bạn? Tức không muốn ủy quyền cho người đó nữa!
Mình cũng không rõ lúc ở Phòng Công chứng người đó có ký vào giấy ủy quyền chưa! Vì gia đình mình ký xong rồi lật đật đi về!
Cảm ơn các bạn!
Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 10/12/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền đã công chứng
- Bộ luật dân sự năm 2015
- Luật công chứng năm 2014
3./ Luật sư trả lời Hợp đồng ủy quyền đã ký và công chứng thì có hủy được không
Giấy ủy quyền được hiểu là một văn bản pháp lý trong đó ghi nhận việc người ủy quyền chỉ định người được ủy quyền đại diện mình thực hiện một hoặc nhiều công việc trong phạm vi quy định tại Giấy ủy quyền.
Theo quy định của pháp luật về công chứng, công chứng viên có quyền công chứng văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản. Và văn bản ủy quyền liên quan đến các quyền đối với bất động sản được coi là căn cứ phát sinh quyền của người được ủy quyền (người nhận ủy quyền) trước pháp luật và bên thứ ba.
Nói cách khác, văn bản ủy quyền trên của gia đình bạn đã được coi là phát sinh hiệu lực pháp lý. Tuy nhiên, bạn cần xác định văn bản trên là Giấy ủy quyền (tức chỉ thể hiện ý chí đơn phương về việc ủy quyền của gia đình bạn) hay là Hợp đồng ủy quyền (tức là đã có sự chấp nhận của phía bên kia).
Thông thường, khi bên kia chấp nhận việc ủy quyền của gia đình bạn (tức họ có hành vi thực hiện công việc trên cơ sở ủy quyền của gia đình bạn, hoặc chưa có hành vi nhưng đã ký vào văn bản ủy quyền thể hiện sự đồng ý nhận ủy quyền) thì văn bản trên được coi là Hợp đồng ủy quyền. Việc bạn muốn làm trong trường hợp này là đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền. Căn cứ Điều 569 Bộ luật dân sự:
“Điều 569. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền
1.Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.
Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt. …”
Theo thông tin bạn cung cấp, thì việc ủy quyền trên không có thù lao, do vậy, gia đình bạn có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền bất cứ lúc nào nhưng gia đình bạn có nghĩa vụ thực hiện việc chấm dứt hợp đồng trên tại Phòng công chứng trước đó đã công chứng văn bản ủy quyền kia. Ngoài ra, gia đình bạn có thể thực hiện việc thông báo đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền tới những chủ thể khác có khả năng tham gia xác lập giao dịch với người được ủy quyền trên cơ sở ủy quyền của gia đình bạn.
Tương tự trong trường hợp bạn muốn đơn phương chấm dứt thực hiện giấy ủy quyền, gia đình bạn cần phải thực hiện việc này tại Phòng công chứng.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn chỉ cần thực hiện việc đơn phương chấm dứt thực hiện ủy quyền tại Phòng công chứng trước đó đã công chứng Giấy ủy quyền là bạn đã chấm dứt được việc ủy quyền trước đó.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.