Câu hỏi của khách hàng: Mẹ được ủy quyền sử dụng nhà sau đó đem cho con thì có gì rắc rối không
Em chào anh chị ạ,
Em rất cần Anh Chị chia sẻ giúp em vấn đề về này ạ.
Ba nợ ngân hàng 1 tỉ. ( hiện tại đang quen người con gái khác và đã có con.
Mẹ ở 1 nhà, Ba ở 1 nhà với cô kia )
Nói sao với Mẹ nên giờ Mẹ đồng ý trả 300 triệu. ( vì nhà kia Ba bán nên mới có 700 triệu trả nợ cho ngân hàng)
Hôm nay Mẹ gọi em nói Ba “uỷ quyền” cho Mẹ cái nhà Mẹ đang ở trong vòng 7 năm. Mẹ muốn cho hay bán gì tuỳ Mẹ.
Sau đó anh giám đốc chi nhánh ngân hàng gọi em cũng nói rằng Mẹ được uỷ quyền nên giờ Mẹ cho em nên em về kí đi cho sau này giầy tờ khỏi rắc rối.
Còn rất nhiều vấn đề rối mà em nói nội dung chính thôi ạ.
Mẹ em đang bệnh nặng, đi đứng rất khó khăn và rất hiền nên gần như là bị Ba điều khiển.
Gia đình có 5 anh em ( 2 anh đã lập gia đình ) còn em và 2 em gái.
Em mong được Anh Chị cho em lời khuyên ạ. Em cảm ơn thật nhiều
Luật sư Tư vấn Bộ luật Dân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 27/09/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Giá trị của hợp đồng ủy quyền
- Bộ luật dân sự năm 2015
- Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
3./ Luật sư trả lời Mẹ được ủy quyền sử dụng nhà sau đó đem cho con thì có gì rắc rối không
Do bạn chưa nêu rõ việc bố của bạn “ủy quyền” cho mẹ của bạn trong trường hợp có được lập bằng văn bản không hay chỉ là sự thỏa thuận miệng của hai bên cũng như các thông tin xung quanh nội dung ủy quyền nên cũng chưa thể đưa ra cụ thể các rủi ro mà bên được ủy quyền (tức mẹ bạn) gặp phải khi mẹ bạn đem căn nhà được ủy quyền sử dụng cho con của mình. Tuy nhiên, trong phạm vi tình huống vẫn có thể xác định được một số vấn đề sau:
Theo quy định tại Điều 563 Bộ luật Dân sự thì:
“Điều 563. Thời hạn ủy quyền
Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.”
Trong trường hợp bạn đưa ra thì thời hạn ủy quyền là 07 năm, tuy nhiên theo quy định tại Điều 569 Bộ luật Dân sự thì hợp đồng ủy quyền này có thể bị đơn phương chấm dứt bất kỳ lúc nào (nhưng phải báo trước cho người được ủy quyền trước một thời gian nhất định nếu việc ủy quyền này không có thù lao) và phải báo cho bên thứ ba biết về việc chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền.
Tức là, bố bạn có thể đơn phương chấm dứt việc ủy quyền cho mẹ bạn bất cứ lúc nào mà không cần đợi hết 07 năm và mẹ bạn khi đó sẽ không có bất cứ quyền gì trên cơ sở được ủy quyền nữa.
Còn về việc mẹ bạn, trong thời gian ủy quyền thực hiện việc “tặng cho” bạn ngôi nhà trên thì việc này là không hợp lý, bởi, về mặt pháp lý, mẹ bạn chỉ là người thay mặt cho bố bạn sử dụng ngôi nhà. Tất cả các giao dịch phát sinh quanh tài sản thì mẹ bạn chỉ là người thay mặt, không phải chủ sở hữu.
Tuy nhiên, trong trường hợp hợp đồng ủy quyền cho phép mẹ bạn thay mặt bố bạn thực hiện việc tặng cho, chuyển nhượng,… ngôi nhà này thì mẹ bạn vẫn có thể tặng cho bạn ngôi nhà, và hợp đồng tặng cho này sẽ có giá trị ngay sau khi được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện việc công chứng cho hợp đồng. Khi hợp đồng được công chứng xong, bạn có thể làm thủ tục để đứng tên quyền sở hữu tài sản này. Khi đó, việc tặng cho này sẽ gặp ít rủi ro hơn. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo rằng trong thời hạn thực hiện việc tặng cho này, hợp đồng ủy quyền không bị chấm dứt do bố bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Ngoài ra, vì trên phương diện pháp luật, ba và mẹ bạn vẫn là quan hệ vợ chồng hợp pháp. Do đó, tài sản là ngôi nhà nếu được xây dựng trong thời kì hôn nhân hoặc được sở hữu trong thời kỳ hôn nhân mà không chứng minh được là tài sản riêng thì sẽ bị coi là tài sản chung của cả hai người. Khi đó, mẹ bạn, dù không có việc ủy quyền vẫn sẽ được định đoạt một phần ngôi nhà, nói cách khác, mẹ bạn cũng là một chủ sở hữu của ngôi nhà ngay cả khi không đứng tên trên Giấy chứng nhận.
Tuy nhiên, để đảm bảo sau này không có rắc rối về mặt thủ tục giấy tờ, văn bản này cần mang đi công chứng hoặc chứng thực vì có liên quan đến bất động sản. Trong trường hợp của bạn là tặng cho giữa những người thân trong gia đình nên được miễn thuế thu nhập cá nhân nhưng vẫn phải kê khai với cơ quan thuế.
Tóm lại, trong trường hợp trên nếu muốn việc tặng cho nhà là hợp pháp thì bạn nên thực hiện việc công chứng về việc “ủy quyền” giữa ba mẹ bạn có nội dung ba bạn đồng ý cho mẹ bạn toàn quyền định đoạt đối với ngôi nhà. Và việc tặng cho nhà cũng cần được lập thành văn bản có công chứng và kê khai đầy đủ với cơ quan thuế.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.