Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Tranh chấp đòi quyền nuôi con khi vợ cũ có tiền án và nhân thân xấu
Tôi và vợ đã ly hôn được 3 năm, khi ly hôn do con tôi bé nên quyền nuôi con được tòa phân cho mẹ, lúc đó tôi cũng đã nhờ vả khắp nơi nhưng không được, tôi biết lúc đó cô ta đã ngoại tình và công khai với người kia sau khi ly hôn, nhưng tôi không quan tâm và chỉ lo lắng cho con mình, được 1 năm đầu sau đó, cô ta đưa con về cho tôi nuôi và cặp kè với người kia không để ý gì tới con cái cả, vài tháng sau thì chia tay, cô ta bắt đầu có dấu hiệu nghiện ngập và cờ bạc, hình như còn có phạm tội bị công an gọi vài lần, cách đây 2 ngày, cô ta có sang nhà nói là nhớ con và đòi con về, tôi không cho và có xảy ra tranh cãi, cô ta nói tòa phân quyền nuôi con cho cô ta vì thế tôi không được quyền nuôi con, tôi làm thế là vi phạm pháp luật, nhưng hiện nay cô ta không hề có kinh tế lại có cuộc sống không lành mạnh, con tôi đang đi học, tôi sợ rằng nếu để con tôi về ở với cô ta sẽ có nhiều ảnh hưởng rất xấu, tôi muốn khởi kiện để đòi quyền nuôi con thì liệu có căn cứ không?
Luật sư Tư vấn Luật Hôn nhân và gia đình – Gọi 1900.0191
Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1./ Thời điểm pháp lý
Ngày 11 tháng 09 năm 2018
2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Giành lại quyền nuôi con
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
3./ Luật sư tư vấn
Để đảm bảo quyền, lợi ích của người con trong trường hợp con chung dưới 36 tháng tuổi, khi ly hôn, quyền nuôi con sẽ thuộc về người mẹ. Nhưng không phải kể khi ly hôn thì người bố không thể giành lại quyền nuôi con khi con đã được Tòa án quyết định để người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng người con tại thời điểm ly hôn. Trong một số trường hợp nhất định vì lợi ích của người con, người bố có thể giành lại quyền nuôi con từ tay người mẹ.
Căn cứ Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về việc “Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn”:
“1.Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2.Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a)Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b)Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3.Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.”
Theo đó, trong trường hợp của bạn, khi bạn có yêu cầu và giữa bạn và vợ bạn có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con hoặc bạn chứng minh được việc vợ bạn không còn đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con (từ vợ bạn sang bạn) theo quy định.
Các yếu tố để chứng minh vợ bạn không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con trong trường hợp này có thể là các yếu tố chứng minh vợ bạn không có thu nhập, hay chứng minh vợ bạn không giành thời gian chăm sóc, giáo dục con cái, ngay cả việc vợ bạn có cuộc sống không lành mạnh sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của con cũng là một trong những yếu tố để bạn có thể giành lại quyền nuôi con từ người vợ. Hơn nữa, trong trường hợp con của bạn từ đủ 7 tuổi trở lên thì việc thay đổi người trực tiếp nuôi con còn được xem xét cả trên nguyện vọng của con bạn.
Như vậy, với những tình tiết bạn đưa ra thì bạn hoàn toàn có căn cứ để yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Bạn cần làm các thủ tục theo quy định của pháp luật để yêu cầu Tòa án giải quyết việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn cho bạn.
Với những tư vấn về câu hỏi Tranh chấp đòi quyền nuôi con khi vợ cũ có tiền án và nhân thân xấu, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.