Trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành


Luật sư Tư vấn Luật Du lịch – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 19 tháng 09 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành

  • Luật du lịch năm 2017
  • Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL quy định chi tiết một số điều của luật du lịch.

3./ Luật sư tư vấn

Kinh doanh dịch vụ lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch. Để một doanh nghiệp có thể kinh doanh dịch vụ lữ hành thì doanh nghiệp đó phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định. Và khi giấy phép này được sử dụng không đúng mục đích hoặc doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp tục kinh doanh dịch vụ thì giấy phép này sẽ bị thu hồi theo trình tự, thủ tục sau:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 Luật du lịch thì doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy phép trong một số trường hợp nhất định và tùy theo lý do bị thu hồi giấy phép mà trình tự, thủ tục thu hồi cũng có những khác biệt. Cụ thể:

Đầu tiên là trong trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi do chấp dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, giải thể hoặc phá sản thì trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành được quy định cụ thể tại Điều 6 Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL. Theo đó, trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép như sau:

-Bước 1: Doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành đến cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Hồ sơ trong trường hợp doanh nghiệp tự chấm dứt hoạt động kinh doanh lữ hành gồm: Thông báo chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành và Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành đã được cấp. Còn trong trường hợp doanh nghiệp giải thể hoặc bị giải thể thì hồ sơ gồm: Thông báo chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành; Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành đã được cấp; Quyết định giải thể, biên bản họp của doanh nghiệp/Quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định giải thể của Tòa án. Còn nếu trong trường hợp doanh nghiệp phá sản thì hồ sơ gồm: quyết định của Tòa án về việc mở thủ tục phá sản kèm theo giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành đã được cấp.

-Bước 2: Cơ quan cấp giấy phép ra quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Quyết định thu hồi giấy phép được gửi đến doanh nghiệp, cơ quan nhà nước về xuất nhập cảnh, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, công bố trên cổng thông tin điện tử của cơ quan cấp phép và trang mạng quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Ngoài ra, sau 60 ngày, kể từ ngày đăng quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trên cổng thông tin điện tử của cơ quan cấp phép và trang mạng quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành mà không có khiếu nại, tố cáo liên quan đến nghĩa vụ đối với khách du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch thì cơ quan cấp phép có văn bản gửi ngân hàng để doanh nghiệp được rút tiền ký quỹ. Nếu có khiếu nại, tố cáo liên quan đến nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với khách du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch thì cơ quan cấp phép phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền liên quan giải quyết theo quy định của pháp luật. Còn trong trường hợp doanh nghiệp bị phá sản, tiền ký quỹ do tòa án quyết định theo quy định của pháp luật về phá sản.

Thứ hai là trình tự thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong các trường hợp còn lại, cụ thể là do doanh nghiệp: Không đáp ứng được một trong các điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy; Không đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định; Làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh hoặc Lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam trái pháp luật; Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh; Không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch; Hoặc có hành vi giả mạo hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Thì theo quy định tại Điều 7 Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL, kể từ ngày có kết luận điều tra, trong vòng 15 ngày kiểm tra của cơ quan chức năng, cơ quan cấp phép ban hành quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành; quyết định thu hồi giấy phép được gửi đến doanh nghiệp, cơ quan chức năng về thanh tra, kiểm tra, cơ quan nhà nước về xuất nhập cảnh, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, công bố trên cổng thông tin điện tử của cơ quan cấp phép và trang mạng quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành. Và kể từ ngày có quyết định thu hồi giấy phép, trong thời hạn 30 ngày, doanh nghiệp phải gửi báo cáo về việc hoàn thành nghĩa vụ với khách du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch theo hợp đồng đã ký kèm theo giấy phép đã được cấp đến cơ quan cấp phép. Ngoài ra, sau khi hoàn thành nghĩa vụ thì doanh nghiệp được hoàn trả tiền ký quỹ

Như vậy, tùy theo lý do thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành mà trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh sẽ được thực hiện tương ứng với các quy định nêu trên.

Với những tư vấn về câu hỏi Trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191