Bán xe cho một người nhưng chưa đăng ký sang tên, nay lại bán cho người khác

Bán xe cho một người nhưng chưa đăng ký sang tên, nay lại bán cho người khác

Trước đây tôi có bán một xe máy, tôi đã ra ủy ban nhân dân phường nơi tôi cư trú làm thủ tục bán xe, nhưng bên mua xe không làm thủ tục sang tên mà vẫn tiếp tục sử dụng. Sau đó lại bán lại cho người khác …Bây giờ người mua sau cùng muốn tôi ra công chứng để ký bán xe lại. Như vậy có đúng pháp luật hay không? Và nếu ký lại thì có cần yêu cầu bên mua xe cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu xe này vi phạm pháp luật trước đó cho đến thời điểm tôi đã bán xe. Xin trân trọng cám ơn!

Gửi bởi: Nguyễn Tiến Dũng

Trả lời có tính chất tham khảo

Sau khi bạn và người mua thứ nhất ký Hợp đồng mua bán xe có chứng thực của Ủy ban nhân dân phường thì người mua đó phải làm thủ tục đăng ký sang tên theo quy định của pháp luật. Nếu người mua đó không sang tên mà vẫn tiếp tục bán xe cho người khác thì người mua cuối cùng có thể làm thủ tục đăng ký sang tên quyền sở hữu xe theo thủ tục hướng dẫn tại thông tư số 12/2013/TT-BCA ngày 01/3/2013 của Bộ Công an sửa đổi khoản 3 Điều 20 Thông tư số 36/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 quy định về đăng ký xe về trường hợp xe đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều người. Nhưng việc đăng ký theo thủ tục này khác phức tạp và mất nhiều thời gian. Hơn nữa, nếu người mua cuối cùng đã liên lạc được với bạn và bạn đã có thiện chí thực hiện lại Hợp đồng mua bán xe theo quy định của pháp luật thì hai bên có thể thực hiện thủ tục mua bán theo quy định. Tuy nhiên, vì Hợp đồng mua bán xe giữa bạn và người mua đầu tiên vẫn còn hiệu lực nên nếu bạn ký hợp đồng bán cho người mua sau cùng sẽ vi phạm pháp luật về việc một tài sản được bán cho hai người; hành vi này còn có thể bị coi là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản (một tài sản bán cho nhiều người để trục lợi).

Vì vậy, nếu bạn muốn ký hợp đồng bán xe cho người mua xe cuối cùng thì bạn nên làm thủ tục hủy hợp đồng mua bán xe với người mua đầu tiên. Nếu việc hủy này gặp khó khăn thì bạn có thể yêu cầu người mua xe cuối cùng làm thủ tục mua bán trực tiếp với người mua xe trước đó theo quy định của pháp luật.

Về nội dung cam kết giữa bạn và người mua xe cuối cùng trong hợp đồng mua bán xe: hai bên có thể thỏa thuận bất kỳ nội dung gì miễn là nội dung đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Trong trường hợp này bạn cần lưu ý quy định tại Điều 440 Bộ luật Dân sự về thời điểm chịu rủi đối với tài sản như sau:

– Bên bán chịu rủi ro đối với tài sản mua bán cho đến khi tài sản được giao cho bên mua, còn bên mua chịu rủi ro đối với tài sản mua bán kể từ khi nhận tài sản, nếu không có thỏa thuận khác.

– Ðối với hợp đồng mua bán tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, kể cả khi bên mua chưa nhận tài sản, nếu không có thỏa thuận khác.

Nếu đối chiếu với quy định trên thì xe máy bạn đã bán cho người khác nhưng chưa làm thủ tục đăng ký sang tên nên về pháp lý thì người phải chịu những rủi ro đối với xe máy đó là bạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác nên bạn và người mua xe có thể thỏa thuận nội dung này trong hợp đồng. Về việc xe đó vi phạm pháp luật như bạn nói thì chưa chính xác vì con người mới là chủ thể của hành vi vi phạm, còn xe máy chỉ có thể là công cụ, phương tiện liên quan đến hành vi vi phạm đó nên người có hành vi vi phạm đó phải là người chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Thông tư 12/2013/TT-BCA Sửa đổi, bổ sung khoản 3 điều 20 Thông tư số 36/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 quy định về đăng ký xe

Trả lời bởi: CTV3

1900.0191