Mẹ tôi có quen biết và làm ăn với ông A. Ông A có nhờ mẹ tôi trả tiền giúp cho bạn hàng của ông ta là ông B. Cứ thế đến mỗi kì lấy tiền hàng, ông A gửi nhờ mẹ tôi trả giùm cho ông B. Mỗi lần trả tiền, mẹ tôi đều kí tên và ghi rõ: anh A còn nợ anh B… Nhưng sau đó ông A làm ăn thất bại và mất dần khả năng chi trả. Ông B không thu được tiền nên đã thuê 1 nhóm người đòi nợ thuê hăm dọa ép ông A trả tiền. Ông A vì sợ nên đã trốn đi. Ông B không tìm được ông A đã quay sang phía mẹ tôi ép phải trả số nợ đó. Do mẹ tôi có kí nhận làm chứng mỗi lần trả tiền hàng nên ông B lấy đó mà uy hiếp mẹ tôi, ép mẹ tôi phải kí giấy nợ. Xin hỏi trong trường hợp này, mẹ tôi có phải chịu số nợ của ông A hay không?
Gửi bởi: Nguyễn Quốc Thanh
Trả lời có tính chất tham khảo
Việc ông B yêu cầu mẹ bạn phải nhận nợ thay cho ông A là không phù hợp với quy định của pháp luật, với những lý do dưới đây:
(i) Trong Hợp đồng mua tài sản thì ông A là Bên mua và ông B là Bên bán; mẹ bạn không có tư cách là Bên mua cũng không có tư cách là Bên bán trong hợp đồng này. Theo đó ông B (bên bán) có nghĩa vụ giao tài sản cho ông A (bên mua) và nhận tiền, còn ông A có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền cho ông B. Theo khoản 4 Điều 431 Bộ luật Dân sự thì: Phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận, tức là ông A và ông B có quyền tự thỏa thuận về thời gian, địa điểm thanh toán, thanh toán một lần hay nhiều lần, thanh toán trực tiếp hay qua trung gian… Theo thông tin mà bạn cung cấp thì ông A và ông B đã thỏa thuận hoặc ngầm thỏa thuận rằng ông A sẽ thanh toán cho ông B thông qua mẹ bạn, và có thể thanh toán thành nhiều lần (nếu giữa ông A và ông B không có thỏa thuận cụ thể từ trước nhưng đã nhiều lần mẹ bạn trả tiền giúp cho ông A mà ông B không phản đối thì cũng có thể coi như giữa hai bên đã gián tiếp có sự thỏa thuận này; việc ông B cho ông A nợ tiền hàng cũng có thể coi như chấp nhận phương thức thanh toán trả tiền nhiều lần, trừ trường hợp ông A và ông B có thỏa thuận khác). Khi ông A không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng mua bán tài sản giữa hai bên thì ông B có quyền yêu cầu ông A – với tư cách là bên mua – phải thực hiện nghĩa vụ này.
(ii) Như trên đã nếu, mẹ bạn chỉ là người chuyển tiền mua hàng giúp bên mua là ông A chứ không phải là bên mua trong hợp đồng đó nên mẹ bạn không có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho bên bán là ông B. Ngược lại, ông B cũng không có quyền yêu cầu mẹ bạn (không phải là bên mua trong hợp đồng) phải thanh toán tiền hàng cho mình.
(iii) Hơn nữa, giữa ông A (với tư cách là người có nghĩa vụ) và mẹ bạn không có thỏa thuận về việc chuyển giao nghĩa vụ dân sự.
Việc chuyển giao nghĩa vụ dân sự được quy định tại Điều 315 Bộ luật dân sự như sau: Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ dân sự cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ.
Vì giữa ông A và mẹ bạn không có thỏa thuận về sự chuyển giao này nên ông B không có quyền đơn phương yêu cầu mẹ bạn phải thực hiện thay nghĩa vụ cho ông A và đương nhiên, ông A vẫn là người có nghĩa vụ với ông B và mẹ bạn không phải là người thế nghĩa vụ.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Trả lời bởi: CTV3