Con trai tôi sinh năm 1996, bị một người bạn là L. và hai người bạn của L. đâm chết. Sau khi vụ án xảy ra gia đình bị cáo cũng không đến hỏi thăm gia đìnhtôi. Xin hỏi:
1. Những người đã hại chết con trai tôi sẽ bị xử lý như thế nào? L. và hai người bạn của L. đã từng có tiền án.
2. Tôi đã gửi đơn tố cáo, nhưng hơn một năm vẫn chưa mở phiên tòa xét xử. Xin hỏi, bao giờ thì Tòa án mới mở phiên xét xử?
3. Trong phiên tòa xét xử, chúng tôi có những quyền gì?
4. Mức bồi thường thiệt hại mà chúng tôi nhận được là như thế nào? Bên đã gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm gì đối với cháu tôi (con của con trai tôi)?
Gửi bởi: nguyễn quang diệu
Trả lời có tính chất tham khảo
1. Theo quy định của Bộ luật hình sự thì người nào giết người thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 93 thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình; phạm tội không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 93 thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
Trường hợp L. và hai người kia đã từng có tiền án, chưa được xóa án tích mà còn phạm tội thì tùy trường hợp sẽ coi là tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật hình sự. Nếu thuộc trường hợp tái phạm thì sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm” theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48. Nếu thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm thì sẽ bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “tái phạm nguy hiểm” và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm p khoản 1 Điều 93 của Bộ luật hình sự.
2. Theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật hình sự thì tội phạm thuộc quy định tại khoản 1 là tội đặc biệt nghiêm trọng; tội phạm thuộc quy định tại khoản 2 là tội rất nghiêm trọng. Bộ luật tố tụng hình sự quy định về thời hạn giải quyết vụ án hình sự đối với tội đặc biệt nghiêm trọng và rất nghiêm trọng như sau:
– Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và khởi tố vụ án hình sự: Theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật tố tụng hình sự thì trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá 02 tháng.
– Thời hạn điều tra: Không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra. Nếu vụ án có tính chất phức tạp thì có thể được gia hạn thời hạn điều tra 02 lần, mỗi lần không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 03 lần, mỗi lần không quá 04 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Hết thời hạn điều tra, cơ quan điều tra sẽ ra bản kết luận điều tra đề nghị truy tố.
– Thời hạn truy tố: Trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát sẽ ra bản cáo trạng tuy tố bị can trước Tòa án. Trong trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn, nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng; không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
– Thời hạn xét xử:
+ Trong thời hạn 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 03 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa sẽ ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Đối với những vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
+ Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì Toà án có thể mở phiên toà trong thời hạn 30 ngày.
3. Về quyền và nghĩa vụ của người đại diện của bị hại, theo quy định tại khoản 5 Điều 51 của Bộ luật tố tụng hình sự thì trong trường hợp người bị hại chết thì người đại diện hợp pháp của họ có những quyền quy định tại Điều 51, cụ thể:
– Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
– Được thông báo về kết quả điều tra;
– Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này;
– Đề nghị mức bồi thường và các biện pháp bảo đảm bồi thường;
– Tham gia phiên toà; trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên toà để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại;
– Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; kháng cáo bản án, quyết định của Toà án về phần bồi thường cũng như về hình phạt đối với bị cáo.
– Trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại quy định tại Điều 105 của Bộ luật này thì người đại diện hợp pháp trình bày lời buộc tội tại phiên toà.
– Phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án; nếu từ chối khai báo mà không có lý do chính đáng thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 của Bộ luật hình sự.
4. Về mức bồi thường thiệt hại, theo quy định tại Điều 610 của Bộ luật dân sự thì:
– Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
– Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường các thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, như đã nêu ở trên; đồng thời phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Nếu cháu của bạn (con của con trai bạn) là người chưa thành niên thì người xâm phạm tính mạng con trai bạn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu của bạn.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự
Bộ luật 19/2003/QH11 Tố tụng hình sự
Trả lời bởi: Nguyễn Thị Phương Liên – Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật