Bà Kỷ chết cách đây ba năm, cuối năm 2005, ông Kỷ chết ở tuổi 90. Ông bà để lại một căn nhà nhưng không có di chúc. Ông bà có năm người con, hai trai, ba gái, trong đó người con gái cả đã chết cách đây 5 năm vì tai nạn giao thông. Do đã có nhà ở riêng nên các con của ông bà Kỷ đã thống nhất bán căn nhà đó. Khi bàn bạc để phân chia số tiền bán nhà thì phát sinh mâu thuẫn. Các anh con trai của ông bà Kỷ cho rằng, các cô con gái đã đi lấy chồng thì phải hưởng theo nhà chồng nên số tiền bán nhà của ông bà Kỷ sẽ chia làm ba phần. Mỗi anh con trai được hưởng một phần, phần còn lại chia cho hai cô con gái, còn người chị cả đã chết nên không được hưởng. Hai người con gái của ông bà Kỷ không đồng ý cách chia đó nên tìm mọi cách để không cho hai người anh bán căn nhà. Chị Đào, con gái út của ông bà Kỷ đã lên gặp cán bộ tư pháp xã để hỏi. Trong trường hợp này, cán bộ tư pháp xã sẽ tư vấn như thế nào để giúp anh em nhà chị Đào?
Gửi bởi: Admin Portal
Trả lời có tính chất tham khảo
Mâu thuẫn phát sinh giữa các con của ông bà Kỷ khi phân chia thừa kế căn nhà do ông bà để lại không có di chúc. Trong tình huống này có 2 vấn đề pháp lý cần xem xét: chia thừa kế căn nhà không có di chúc; người được hưởng phần thừa kế của người con đã chết của ông bà Kỷ.
Để tư vấn cho chị Đào, cán bộ tư pháp cần vận dụng các quy định từ Điều 675 đến Điều 677 của Bộ luật Dân sự năm 2005.
– Về việc chia thừa kế căn nhà
Trong quy định của pháp luật dân sự về thừa kế có quy định việc thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.
Ông bà Kỷ chết không để lại di chúc. Do vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 675 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì căn nhà mà ông bà Kỷ để lại sẽ được phân chia thừa kế theo pháp luật.
Căn cứ khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005, thì những người thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Trong trường hợp này, nếu cha mẹ của cả ông và bà Kỷ đều không còn thì năm người con của ông bà Kỷ là những người thừa kế theo pháp luật cùng thuộc hàng thừa kế thứ nhất.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005, thì năm người con của ông bà Kỷ được hưởng phần di sản bằng nhau. Như vậy, số tiền bán căn nhà mà ông bà Kỷ để lại phải được chia đều thành năm phần, mỗi người được hưởng một phần.
– Trường hợp của người con đã chết của ông bà Kỷ:
Điều 677 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về thừa kế thế vị như sau: trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống.
Trong trường hợp này, người con gái của ông bà Kỷ đã chết trước ông bà nên các con của chị sẽ được hưởng phần di sản thừa kế mà chị được hưởng nếu còn sống.
Như vậy, số tiền bán căn nhà của ông bà Kỷ để lại phải được chia làm 5 phần bằng nhau, mỗi người con của ông bà được hưởng một phần, trong đó, con của người chị cả sẽ được hưởng phần thừa kế của mẹ chúng.
Các văn bản liên quan:
Bộ Luật 33/2005/QH11 Dân sự
Trả lời bởi: Admin Portal