Chiếm giữ sổ đỏ của người khác

Chiếm giữ sổ đỏ của người khác

Cha em bị mắc bệnh tâm thần, nên đã đem sổ đỏ gửi cho cô của em (là em gái ba em). Nay, do bệnh tình của ba em trở nặng mà gia đình em đã đưa ba vào bệnh viện tâm thần. Mẹ em hiện bị tai biến mạch máu não (trí nhớ kém, đi lại khó khăn). Do vậy, gia đình em định sẽ xin được làm người giám hộ và sử dụng đất với mục đích chạy chữa cho cha mẹ. Tuy nhiên, cô em và gia đình cô không trả lại sổ và yêu cầu phải đưa 2 công đất mới trả lại sổ; sau đó thì cô chối là không cầm sổ của ba em. Vậy xin hỏi, em có thể khởi kiện cô em được không?

Gửi bởi: Huỳnh Phan Khánh Linh

Trả lời có tính chất tham khảo

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) (hay còn gọi là sổ đỏ) không phải là tài sản. Vì theo quy định tại Điều 163 của Bộ luật dân sự thì “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là tiền. Đó chỉ là sự xác nhận về quyền sử dụng đất của cá nhân, tổ chức, bản thân nó cũng không phải là quyền sử dụng đất. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng không phải là giấy tờ có giá.

Như vậy, sổ đỏ chỉ là căn cứ để xác nhận quyền sử dụng đất. Do đó, hành vi giữ sổ đỏ của người khác không đủ yếu tố để cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự. Trường hợp hành vi chiếm đoạt đó gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn đối với quyền sử dụng đất đó thì bạn yêu cầu cô bạn trả lại giấy tờ. Nếu cô bạn vẫn không trả thì bạn có thể yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp lại GCN do bị mất theo quy định tại Điều 77 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/4/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013, cụ thể:

1. Hộ gia đình và cá nhân, cộng đồng dân cư phải khai báo với UBND cấp xã nơi có đất về việc bị mất GCN, UBND cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất GCN tại trụ sở UBND cấp xã, trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hỏa hoạn.

2. Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo mất GCN tại trụ sở UBND cấp xã đối với trường hợp của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc kể từ ngày đăng tin lần đầu trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương đối với trường hợp của tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người bị mất GCN nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại GCN.

3. Văn phòng ĐKĐĐ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính và chưa trích đo địa chính thửa đất; lập hồ sơ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 37 của Nghị định này ký quyết định hủy GCN bị mất, đồng thời ký cấp lại GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; …”.

Hành vi dùng sổ đỏ để ép người khác phải đưa tiền hoặc tài sản có thể bị coi là hành vi dùng thủ đoạn uy hiếp tình thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, và có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135 của Bộ luật hình sự.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Nghị định 43/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai

Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự

Trả lời bởi: Nguyễn Thị Phương Liên – Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật

1900.0191