Thế nào là chiếm hữu có căn cứ pháp luật, chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình?
Gửi bởi: Admin Portal
Theo quy định tại Điều 183 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong các trường hợp sau đây:
– Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản;
– Người được chủ sở hữu uỷ quyền quản lý tài sản;
– Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;
– Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phù hợp với các điều kiện do pháp luật quy định;
– Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với các điều kiện do pháp luật quy định;
– Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
Điều 189 Bộ luật Dân sự quy định: việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định trên là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.
Người chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình là người chiếm hữu mà không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật. Ví dụ: B ăn cắp của C chiếc máy bơm nước và đến gửi A. Vậy việc A chiếm hữu chiếc máy bơm nước là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, vì khi nhận giữ hộ B chiếc máy bơm nước đó A không biết và không thể biết chiếc máy bơm nước đó không thuộc quyền sở hữu của B tức là không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật.
Các văn bản liên quan:
Bộ Luật 33/2005/QH11 Dân sự
Trả lời bởi: MOJ Admin