Công ty không có nội quy lao động bắt ký cam kết vô lý phải làm sao

Câu hỏi của khách hàng: Công ty không có nội quy lao động bắt ký cam kết vô lý phải làm sao

Mình nhờ anh chị em giúp đỡ mình với ạ!

Chuyện là từ lúc mình vào công ty làm đến nay là 1 năm. Công ty không hề có bất kỳ nội quy nào đưa ra cho nhân viên. Trong hợp đồng lao động không có những điều này.

Nhưng khi nhân viên bị mắc bất kỳ lỗi nào ( lần đầu) thì bị phạt tiền (trừ ngang vào tháng lương đó) và không có bất kỳ giấy tờ gì để biết là mình đã đóng tiền phạt lỗi. Và bị chấm B là cả năm không có 1 nghàn tiền thưởng. Dấu B đó theo bạn suốt quá trình bạn làm tại công ty không có thời hạn bỏ dấu. Nếu tái phạm tiếp chấm dấu C và huỷ hợp đồng.

Và hôm nay. Công ty cho mỗi nhân viên 1 bản cam kết và bắt ký. (đưa và bắt ký nộp liền) em không ký em nói về nhà đọc kỹ và tính sau.

Như những gì bản cam kết công ty đưa ra và bắt ký. Nhưng em nghĩ nếu mình ký vào là chính mình tự nguyện làm bản cam kết đó để nộp cho công ty.( thật chất bên công ty bắt mình ký) mà em lại không đồng ý với những ý kiến mà bản cam kết đưa ra vì nó quá vô lý.

Rất mong nhận lại ý kiến và giúp đỡ của anh chị em. Em cám ơn tất cả


Luật sư Tư vấn Bộ luật lao động – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 13/12/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Nội quy lao động của công ty

  • Bộ luật lao động 2012
  • Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động
  • Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP)

3./ Luật sư trả lời Công ty không có nội quy lao động bắt ký cam kết vô lý phải làm sao

Theo thông tin bạn cung cấp, công ty bạn không phổ biến cho nhân viên biết về nội quy lao động nhưng khi vi phạm thì bị phạt tiền, yêu cầu ký bản cam kết. Bạn cần căn cứ vào chính nhu cầu của công ty và chính bạn, công việc của bạn,… để lựa chọn cách giải quyết phù hợp nhất. Bởi, khi bạn cùng công ty (tức người lao động và người sử dụng lao động) có mâu thuẫn phát sinh, việc tiếp tục hợp đồng lao động là rất khó khăn, gây ảnh hưởng tương đối tới chính người lao động.

-Thứ nhất, bạn cùng đồng nghiệp có thể tổ chức một cuộc trao đổi thông tin nhỏ với chính những người quản lý nhân sự, quản lý công ty để giải quyết vướng mắc trong hòa bình. Việc này sẽ có lợi cho bạn hơn khi bạn muốn tiếp tục công việc trong một thời gian dài.

-Thứ hai, bạn có thể nhờ một bên thứ ba làm trung gian tiến hành giải quyết mâu thuẫn (có thể là hòa giải hoặc yêu cầu các chủ thể nhà nước có thẩm quyền can thiệp xử lý vi phạm) như tổ chức công đoàn ở cơ sở, Sở Lao động- thương binh và xã hội hoặc thậm chí là Tòa án nhân dân.

Về nội quy lao động, theo Điều 119 Bộ luật lao động 2012, người sử dụng lao động sử dụng từ 10 người lao động trở lên phải có nội quy lao động bằng văn bản. Nội quy lao động phải không được trái với pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Hơn nữa, trước khi ban hành nội quy lao động, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở. Nội quy lao động phải được thông báo đến người lao động và những nội dung chính phải được niêm yết ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc.

Nội quy lao động phải được đăng ký tại cơ quan quản lý về lao động cấp tỉnh. Cơ quan đăng ký có trách nhiệm xem xét nội quy lao động có trái quy định của pháp luật hay không, trên cơ sở đó, đề nghị sửa đổi hay chấp nhận nội quy lao động trên.

Theo đó, trong trường hợp công ty bạn có sử dụng từ 10 người lao động trở lên, công ty bạn phải có nội quy lao động, đồng thời phải công khai nội quy cho tất cả các nhân viên trong công ty được biết. Nội quy lao động phải đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh. Việc bạn không hề biết về bất kỳ nội quy nào của công ty, phía công ty đã vi phạm quy định của pháp luật về công khai nội quy lao động.

Do vậy, bạn có quyền yêu cầu công ty phổ biến nội quy lao động và đề nghị công ty thực hiện việc công khai nội quy lao động bằng cách niêm yết nội quy tại trụ sở công ty, tại những nơi dễ nhìn, dễ nhận biết, không bị che chắn,…

Đối với việc công ty yêu cầu bạn ký cam kết, bạn nên có ý kiến với lãnh đạo công ty về yêu cầu này. Vì cam kết lao động cũng là sự thỏa thuận giữa hai bên (bạn và người sử dụng lao động). Trong trường hợp công ty đưa ra cam kết với tất cả nhân viên trong công ty, bạn và các nhân viên khác nên đồng gửi đơn yêu cầu lại với phía công ty để có biện pháp xử lý, đồng thời yêu cầu thỏa thuận lại về những nội dung cam kết bạn cho là vô lý mà công ty đưa ra.

Bên cạnh đó, việc không có nội quy lao động, bắt người lao động ký cam kết lao động là những hành vi vi phạm pháp luật về lao động. Tùy theo mức độ vi phạm của công ty, công ty sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tương ứng tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP và những trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, nội quy lao động là văn bản phải được công khai cho tất cả mọi người trong công ty. Trong trường hợp thấy nội quy lao động không được công khai, có những điều bất hợp lý, cam kết lao động công ty đưa ra là vô lý, bạn có quyền yêu cầu thỏa thuận lại với phía công ty.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

1900.0191