Hành vi dùng vũ lực để đánh ghen

Hành vi dùng vũ lực để đánh ghen

Khoảng 3 giờ sáng, tôi có nhắn tin cho chị hàng xóm hỏi nhờ chút việc và bảo chị ấy ra ngoài cửa. Chồng của chị ấy cầm điện thoại của chị ấy nhắn lại cho tôi. Đêm hôm sau, số điện thoại đó gọi tôi ra ngoài, nhưng tôi không ra, tắt điện thoại và đi ngủ. Sáng hôm sau, khi tôi đi ra ngoài thì chồng chị hàng xóm không nói gì và lao vào đánh tới tấp, bắt tôi quỳ lạy và bảo không quỳ thì sẽ đánh chết. Anh ta còn bắt tôi bồi thường danh dự 10 triệu đồng. Xin hỏi, hành vi của tôi có phạm pháp không? Hành vi của người chồng hàng xóm kia sẽ bị xử lý như thế nào?

Gửi bởi: phạm Kiên

Trả lời có tính chất tham khảo

1. Về hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng

Do các thông tin mà bạn cung cấp chưa rõ ràng, đầy đủ về mối quan hệ giữa bạn và chị hàng xóm nên rất khó để xác định bạn có vi phạm pháp luật hay không. Tuy nhiên, tôi xin nêu một số quy định của pháp luật có liên quan trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình để bạn đối chiếu với hành vi của mình, từ đó xác định hành vi của bạn có vi phạm pháp luật hay không.

Theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 48 của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì người có một trong các hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, bao gồm:

a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ…”.

Trường hợp người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo quy định tại Điều 147 của Bộ luật hình sự và bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Về hành vi cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

Theo thông tin mà bạn cung cấp thì người chồng cô hàng xóm đã có hành vi xâm hại sức khỏe, cố ý gây thương tích cho bạn. Hành vi này, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

– Theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 5 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, người nào có hành vi “xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác” thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

– Trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 104 của Bộ luật hình sự thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác và bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 104 thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 104 thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 104 thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự (Hết hiệu lực một phần)

Nghị định 110/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (Hết hiệu lực một phần)

Nghị định 167/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình (Còn hiệu lực)

Trả lời bởi: Nguyễn Thị Phương Liên – Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật

1900.0191