Hỏi thông tin người mất tích

Hỏi thông tin người mất tích

Thưa Tòa soạn, cha tôi là Vũ Đình Ky, sinh năm 1963. Ngày 02/02/2006, cha tôi đi từ Thanh Hóa vào Cà Mau lấy giấy tờ cho tôi, nhưng từ thời gian đó đến bầy giờ gia đình tôi không có tin tức của cha. Gia đình có tìm kiếm thông tin cha, nhưng chưa thông qua Tòa án hay phương tiện truyền thông… Vậy giờ đây gia đình tôi có thể đến Tòa án địa phương thông báo cha tôi đã chết không? Nếu không, chúng tôi phải làm những thủ tục gì để sau đó chúng tôi có thể thông báo cha tôi đã mất trên danh nghĩa pháp lý? Kính mong Toà soạn trả lời. Tôi chân thành cảm ơn.

Gửi bởi: Vũ Thị Hoa

Trả lời có tính chất tham khảo

Điều 81 của Bộ luật Dân sự quy định:

“Điều 81. Tuyên bố một người là đã chết

1. Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Toà án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong các trường hợp sau đây:

a) Sau ba năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Toà án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

b) Biệt tích trong chiến tranh sau năm năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

c) Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau một năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

d) Biệt tích năm năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 78 của Bộ luật này.

2. Tuỳ từng trường hợp, Toà án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết căn cứ vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này”.

Như vậy, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 81 thì gia đình bạn có thể yêu cầu tuyên bố một người đã chết. Trình tự, thủ tục tuyên bố một người đã chết theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự như sau:

Thứ nhất, nộp đơn yêu cầu tuyên bố một người là đã chết (Điều 335):

– Người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố một người là đã chết theo quy định của Bộ luật dân sự.

– Đơn yêu cầu Toà án tuyên bố một người là đã chết phải có đủ các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 312 của Bộ luật tố tụng dân sự, bao gồm: Ngày, tháng, năm viết đơn; Tên Toà án có thẩm quyền giải quyết đơn; Tên, địa chỉ của người yêu cầu; Những vấn đề cụ thể yêu cầu Toà án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự đó; Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết đơn yêu cầu, nếu có; Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu; Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn.

– Gửi kèm theo đơn yêu cầu là chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết thuộc trường hợp theo quy định của Bộ luật dân sự.

Thứ hai, chuẩn bị xét đơn yêu cầu (Điều 336):

– Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố một người là đã chết không quá ba mươi ngày, kể từ ngày Toà án thụ lý đơn yêu cầu; hết thời hạn đó, Toà án phải ra quyết định mở phiên họp để xét đơn yêu cầu.

– Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Toà án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu tuyên bố một người là đã chết nếu người yêu cầu rút đơn yêu cầu hoặc người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết trở về và yêu cầu Toà án đình chỉ việc xét đơn yêu cầu.

– Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, Toà án phải mở phiên họp để xét đơn yêu cầu.

Thứ ba, Quyết định tuyên bố một người là đã chết (Điều 337):

– Toà án có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn yêu cầu tuyên bố một người là đã chết.

– Trong trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Toà án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết; trong quyết định này, Toà án phải xác định ngày chết của người đó và hậu quả pháp lý của việc tuyên bố một người là đã chết theo quy định của Bộ luật dân sự.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Trả lời bởi: Nguyễn Thị Phương Liên – Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật

1900.0191