Lập di chúc chung của vợ chồng khi một trong hai người không biết chữ

Lập di chúc chung của vợ chồng khi một trong hai người không biết chữ

Ông bà Luyện có ba người con, hai trai, một gái. Hai người con trai lớn của ông bà đều đã lập gia đình và sinh sống ở Hà Nội. Cô Lan, con gái út của ông bà lấy chồng tại quê nhà. Ông bà Luyện có mảnh đất vườn trồng cây ăn quả. Những năm gần đây vì tuổi cao, sức yếu, nên việc chăm sóc vườn cây ông bà Luyện phải nhờ vợ chồng cô Lan. ông bà Luyện muốn lập di chúc để lại mảnh đất vườn đó cho vợ chồng cô Lan nhưng bà Luyện không biết chữ nên ông Luyện đến gặp cán bộ tư pháp xã để hỏi về thủ tục lập di chúc trong trường hợp vợ ông không biết chữ. Cán bộ tư pháp xã cần giải thích cho ông Luyện hiểu rõ các quy định của pháp luật về vấn đề này như thế nào?

Gửi bởi: Admin Portal

Trả lời có tính chất tham khảo

Ông bà Luyện muốn lập di chúc để lại mảnh đất vườn cho người con gái. Bà Luyện lại không biết chữ nên có 2 vấn đề cần được xem xét như sau: vợ chồng ông bà Luyện có được lập di chúc chung hay không; thủ tục lập di chúc đối với trường hợp người muốn lập di chúc không biết chữ.

Điều 652, Điều 654, Điều 656, Điều 658Điều 663 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định, di chúc hợp pháp, di chúc chung của vợ chồng, di chúc bằng văn bản có người làm chứng và thủ tục lập di chúc tại cơ quan công chứng hoặc UBND xã.

– Về di chúc chung của vợ chồng: Trong trường hợp này, mảnh đất vườn là tài sản chung của ông bà Luyện. Ông bà cùng có nguyện vọng để lại mảnh đất đó cho con gái. Vì vậy, theo quy định của Điều 663 Bộ luật Dân sự năm 2005, ông bà Luyện được lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung là mảnh đất đó.

– Về thủ tục lập di chúc: Vì bà Luyện là người không biết chữ nên theo quy định tại khoản 3 Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2005, di chúc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

– Ông bà Luyện có thể lập di chúc theo hai cách:

Thứ nhất, ông Luyện có thể thay vợ viết bản di chúc chung nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng. Trình tự của việc lập di chúc như sau:

+ Bà Luyện phải điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng;

+ Những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của ông bà Luyện và ký vào bản di chúc.

Người làm chứng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 654 Bộ luật Dân sự năm 2005, cụ thể: mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây: người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; người chưa đủ 18 tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.

+ Ông bà Luyện mang bản di chúc có đầy đủ chữ ký của ông Luyện, điểm chỉ của bà Luyện; xác nhận và chữ ký của những người làm chứng tới cơ quan công chứng hoặc UBND xã để được Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền của UBND xã công chứng hoặc chứng thực vào bản di chúc.

Thứ hai, ông bà Luyện cũng có thể tới cơ quan công chứng hoặc UBND xã để nhờ cán bộ có thẩm quyền tại các cơ quan này giúp mình lập di chúc theo đúng pháp luật.

Điều 658 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định, thủ tục lập di chúc tại cơ quan công chứng hoặc UBND xã như sau:

– Ông bà Luyện tuyên bố nội dung của di chúc trước Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của UBND xã;

– Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực phải ghi chép lại nội dung mà ông bà Luyện đã tuyên bố;

– Ông Luyện ký, bà Luyện điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của ông bà;

– Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của UBND xã ký vào bản di chúc.

Các văn bản liên quan:

Bộ Luật 33/2005/QH11 Dân sự

Trả lời bởi: Admin Portal

1900.0191