Mượn đồ của người khác mà không trả thì bị xử lý như thế nào?

Mượn đồ của người khác mà không trả thì bị xử lý như thế nào?

Tôi có cho một anh bạn mượn chiếc máy ảnh mới mua, trị giá 22 triệu đồng với mục đích của anh ta làm dịch vụ trong tháng 9. Sau đó một tuần, tôi có gọi điện đòi máy để tôi sử dụng, nhưng anh ta nói đã gửi một người trả tôi và người đó làm mất. Anh ta hứa sẽ mua trả tôi chiếc máy ảnh mới, nhưng đã 2 tháng trôi qua tôi vẫn chưa đòi được máy ảnh. Khi gọi điện thì anh ta hứa hết lần này đến lần khác với ý định không muốn trả lại. Vì là người quen nên tôi cho mượn không có giấy tờ gì cả, nhưng khi đưa máy cho mượn thì có 2 người bạn đi cùng tôi đã chứng kiến việc anh ta mượn máy ảnh. Vậy bây giờ tôi có thể làm đơn kiện anh ta được không?

Gửi bởi: Nguyễn Quang Dương

Trả lời có tính chất tham khảo

Theo quy định tại Điều 140 của Bộ luật hình sự thì người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng trở lên hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:

Thứ nhất, vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó.

Thứ hai, vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Theo quy định tại Điều 101 của Bộ luật tố tụng hình sự thì bạn có thể tố giác hành vi của người đã chiếm đoạt chiếc máy ảnh của bạn với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác. Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản. Cùng với việc tố giác, bạn cần cung cấp các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến hành vi của người đó cho cơ quan có thẩm quyền (tin nhắn, ghi âm các cuộc điện thoại giữa bạn và người đó, lời của hai người bạn đi cùng làm chứng…).

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự (Hết hiệu lực một phần)

Bộ luật 19/2003/QH11 Tố tụng hình sự (Còn hiệu lực)

Trả lời bởi: Nguyễn Thị Phương Liên – Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật

1900.0191