Di chúc chỉ ghi 1/2 tài sản chia cho 2 người là T và B. Do mâu thuẩn tình cảm nên T đã giết B trước khi người để lại di chúc chết, T bị phạt tù 15 năm vì tội giết người . Vậy T có được hưởng di sản không và hưởng bao nhiêu nếu toàn bộ di sản của người lập di chúc là 960 triệu. Di sản sau khi chia cho T còn lại sẻ được chia như thế nào biết ông T còn có 1 vợ và 3 con đẻ 1 con dâu.
Gửi bởi: Tran Trang
Trả lời có tính chất tham khảo
Trường hợp bạn hỏi chúng tôi xin giải đáp như sau:
Thứ nhất, về việc T còn được quyền thừa kế hay không
Pháp luật dân sự phần Thừa kế quy định những người không được quyền hưởng di sản như sau:
Điều 643. Người không được quyền hưởng di sản
1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.
Theo như bạn nói, T đã giết B, là người cũng có quyền thừa kế, như vậy đã vi phạm điểm c, khoản 1 Điều 643 nêu trên, thuộc vào trường hợp không được quyền hưởng di sản. Mặc dù thông tin bạn cung cấp có nêu rõ là T giết B trước khi người có tài sản để lại chết, nhưng không nói rõ là người để lại tài sản có biết được hành vi đó của T hay không (ví dụ trường hợp: người để lại tài sản sinh sống ở một nơi xa với B và T hoặc hành vi của T không bị phát hiện và xử lý ngay trước khi người để lại di sản còn sống…). Vậy, tôi sẽ chia ra 2 trường hợp để bạn tiện tham khảo.
Trường hợp 1: Người để lại di sản biết việc T giết B nhưng vẫn không sửa lại di chúc và vẫn để cho T được hưởng di sản, vậy, căn cứ theo khoản 2 nên trên, nếu người để lại di sản sau khi T giết B vẫn không thay đổi lại nội dung di chúc thì T vẫn có quyền hưởng thừa kế.
Trường hợp 2: Vì lý do khách quan, người để lại di sản không biết việc T giết B. Trường hợp này căn cứ theo khoản 1 Điều 643 nêu trên thì T không được quyền hưởng di sản thừa kế.
Thứ hai, về vấn đề tài sản được chia như thế nào nếu tổng giá trị tài sản là 960 triệu. Tôi cũng sẽ căn cứ theo 02 trường hợp nêu trên để giải quyết.
Di chúc ghi ½ tài sản chia cho T và B, vì bạn không cung cấp rõ thông tin người để lại tài sản có những ai thuộc hàng thừa kế nên tôi chỉ nói về vấn đề chia tài sảncho T và B.
Chia theo trường hợp 1:
½ khối tài sản ở đây, tức là có 480 triệu, di chúc ghi chia cho T và B mà không nói rõ chia như thế nào thì được hiểu là chia đôi, T và B mỗi người được một nửa, vậy T sẽ được 240 triệu. Còn lại 240 triệu đáng lẽ thuộc quyền thừa kế của B, nhưng do B đã chết trước cả người để lại tài sản, pháp luật dân sự quy định vấn đề này như sau:
Điều 667. Hiệu lực pháp luật của di chúc
1. Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế.
2. Di chúc không có hiệu lực pháp luật toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây:
a) Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
….
Như vậy, theo quy định trên thì phần di chúc liên quan đến B sẽ không có hiệu lực pháp luật, khối tài sản 240 triệu còn lại sẽ không chia theo di chúc mà chia theo pháp luật, căn cứ quy định sau:
Điều 675. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế.
Như vậy, một nửa phần tài sản còn lại không quy định trong di chúc (480 triệu) và phần tài sản liên quan đến quyền thừa kế của B (240 triệu) sẽ được chia theo pháp luật. Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về những người được quyền hưởng thừa kế theo pháp luật như sau:
Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, căn cứ quy định trên, những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản sẽ được chia theo quy định pháp luật khối tài sản trị giá (480 + 240 = 720 triệu).
Chia theo trường hợp 2:
Do T đã bị tước quyền thừa kế, B chết trước khi người để lại di sản chết, nên phần di chúc liên quan đến T và B không có hiệu lực pháp luật. Vậy, căn cứ điểm c khoản 2 Điều 675 nêu trên thì khối tài sản 480 triệu theo di chúc để lại cho T và B sẽ được mang ra chia theo pháp luật như trường hợp trên.
Có nghĩa là những người thuộc hàng thừa kế theo pháp luật sẽ được chia theo quy định pháp luật khối tài sản trị giá 960 triệu.
Vì T chưa chết nên sẽ không tính đến việc thừa kế thế vị ở đây, việc T có vợ, con không liên quan gì đến vấn đề này.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Trả lời bởi: Phạm Thị Hương – Cục Trợ giúp pháp lý