Khi giấy khai sinh không ghi tên của người mẹ thì người con đó có được quyền thừa kế đối với di sản của mẹ không (trường hợp mẹ không để lại di chúc)?
Gửi bởi: Huynh Quoc Toan
Trả lời có tính chất tham khảo
Khi người để lại di sản thừa kế không để lại di chúc thì di sản được chia theo pháp luật. Người thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 676 Bộ luật Dân sự:
– Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
– Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, con của người để lại di sản đương nhiên được hưởng di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Trừ trường hợp người đó từ chối nhận di sản theo Điều 642 Bộ luật Dân sự hoặc là người không được quyền hưởng di sản theo Điều 643 Bộ luật Dân sự ((i) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó; (ii) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản; (iii) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng; (iv) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản).
Đối với trường hợp của bạn, giấy khai sinh của người con không có tên người mẹ. Nếu giấy khai sinh không ghi tên của người mẹ thì sẽ không có căn cứ để xác định ai là mẹ của người con đó và không có giấy tờ chứng minh mối quan hệ mẹ con của người đó, tức là cũng không chứng minh được người con đó có quyền hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật.
Vấn đề này liên quan đến quy định của pháp luật về hộ tịch tại Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch. Theo Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP thì : Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.
Trong giấy khai sinh sẽ khi đầy đủ thông tin của người cha, người mẹ. Trừ một số trường hợp như:
– Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống. (Khoản 3 Điều 15Nghị định số 158/2005/NĐ-CP).
– Khi đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi thì phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh được để trống (Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP).
Nếu thực tế, người để lại di sản mà bạn nói chính là người mẹ của người con đó thì người con đó có quyền làm thủ tục xác nhận mẹ theo quy định của pháp luật. Khoản 1 Điều 65 Luật Hôn nhân và gia đình công nhận: con có quyền xin nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết. Việc nhận cha, mẹ được quy định cụ thể với từng trường hợp sau:
– Nếu con đã thành niên: Con đã thành niên xin nhận cha, không đòi hỏi phải có sự đồng ý của mẹ; xin nhận mẹ không đòi hỏi phải có sự đồng ý của cha (Khoản 2 Điều 65 Luật Hôn nhân và gia đình).
– Nếu con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự thì việc xác định cha, mẹ con được quy định tại Điều 66 Luật hôn nhân và gia đình:
+ Mẹ, cha hoặc người giám hộ theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Tòa án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
+ Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
+ Cơ quan, tổ chức sau đây theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Tòa án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự: Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ.
+ Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền đề nghị Viện kiểm sát xem xét, yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
Việc xác định cha, mẹ được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự. Sau khi có bản án, quyết định của tòa án xác nhận một người là cha, là mẹ cho người con thì việc thay đổi hộ tịch này được ghi vào sổ hộ tịch theo quy định tại Mục 8 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP. Căn cứ vào Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con, Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh cho người con ghi bổ sung phần khai về cha, mẹ trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh của người con, nếu phần khai về cha, mẹ trước đây để trống (Điều 35 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP).
Như vậy, sau khi làm thủ tục xác nhận mẹ thì người con sẽ có đầy đủ căn cứ để chứng minh quan hệ mẹ con với người để lại di sản và đương nhiên theo quy định tại Điều 676 Bộ luật Dân sự nêu trên thì người con đó sẽ được quyền hưởng di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Nghị định 158/2005/NĐ-CP Về đăng ký và quản lý hộ tịch
Luật 22/2000/QH10 Hôn nhân và gia đình
Trả lời bởi: CTV3