Người nước ngoài tạm trú hợp pháp tại Việt Nam trong một khoảng thời gian nhất định có quyền uỷ quyền cho một công dân Việt Nam (theo quy định và thủ tục thực hiện việc uỷ quyền của pháp luật Việt Nam) thay mặt và nhân danh họ trong một khoảng thời gian vượt quá thời gian họ có mặt hợp pháp ở Việt Nam hay không?
Gửi bởi: HUỲNH LÂM PHÁT
Trả lời có tính chất tham khảo
Cá nhân có thể ủy quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện (Điều 143 Bộ luật Dân sự).
Về thời hạn ủy quyền: Ðiều 582Bộ luật Dân sựquy định như sau: Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực một năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền. Như vậy, thời hạn ủy quyền do các bên tự thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác thì các bên phải tuân thủ quy định đó.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam không quy định cụ thể về việc người nước ngoài ủy quyền cho người Việt Nam thực hiện công việc thì phải giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định (cụ thể là chỉ được ủy quyền trong khoảng thời gian được tạm trú như bạn nói). Và thực tế thì bạn cũng có thể thấy rất nhiều trường hợp như vậy. Ví dụ như: Khi ở Việt Nam thì người nước ngoài có mua ô tô, xe máy để thuận tiện đi lại; đến khi về nước thì người đó muốn bán xe nên ủy quyền cho người Việt Nam thực hiện thủ tục bán xe theo quy định của pháp luật. Khi người nước ngoài đó đã về nước (không còn có mặt ở Việt Nam nữa) thì người được ủy quyền vẫn có thể thực hiện công việc đó trong phạm vi và thời hạn có hiệu lực của việc ủy quyền. Vậy, bạn có thể cung cấp rõ thông tin về nội dung ủy quyền để chúng tôi có thể tư vấn cụ thể cho bạn xem trường hợp ủy quyền đó có vấn đề gì cần lưu ý hay không.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Trả lời bởi: CTV3