Việc xử lý tài sản thế chấp được thực hiện như thế nào?

Việc xử lý tài sản thế chấp được thực hiện như thế nào?

Anh A có thế chấp một chiếc tàu thuỷ để vay vốn ngân hàng X. Đến hạn trả nợ nhưng anh A không thực hiện trả nợ. Ngân hàng yêu cầu anh A giao chiếc tàu thuỷ đó cho ngân hàng để xử lý. Hỏi ngân hàng X có quyền yêu cầu như vậy không. Nghĩa vụ và quyền của bên nhận thế chấp được quy định như thế nào? Việc xử lý tài sản thế chấp được thực hiện như thế nào?

Gửi bởi: Admin Portal

Trả lời có tính chất tham khảo

Bên nhận thế chấp tài sản có các nghĩa vụ sau đây (Điều 350 Bộ luật Dân sự năm 2005):

– Trong trường hợp các bên thoả thuận bên nhận thế chấp giữ giấy tờ về tài sản thế chấp thì khi chấm dứt thế chấp phải hoàn trả cho bên thế chấp giấy tờ về tài sản thế chấp;

– Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm xoá đăng ký trong các trường hợp xử lý tài sản thế chấp, huỷ bỏ việc thế chấp tài sản, chấm dứt thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật.

Bên nhận thế chấp tài sản có các quyền sau đây (Điều 351 Bộ luật Dân sự năm 2005):

– Yêu cầu bên thuê, bên mượn tài sản thế chấp phải chấm dứt việc sử dụng tài sản thế chấp, nếu việc sử dụng làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản đó;

– Được xem xét, kiểm tra trực tiếp tài sản thế chấp, nhưng không được cản trở hoặc gây khó khăn cho việc sử dụng, khai thác tài sản thế chấp;

– Yêu cầu bên thế chấp phải cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp;

– Yêu cầu bên thế chấp áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn tài sản, giá trị tài sản trong trường hợp có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản do việc khai thác, sử dụng;

– Yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý trong trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ;

– Giám sát, kiểm tra quá trình hình thành tài sản trong trường hợp nhận thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai;

– Yêu cầu xử lý tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật và được ưu tiên thanh toán.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, trong trường hợp đến hạn trả nợ mà anh A không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng X thì ngân hàng X có quyền yêu cầu anh A giao chiếc tàu thuỷ đó cho ngân hàng để xử lý.

Việc xử lý chiếc tàu được thực hiện như sau: Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà anh A không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì việc xử lý chiếc tàu được thực hiện theo phương thức do các bên đã thoả thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ. Ngân hàng X được ưu tiên thanh toán từ số tiền bán tài sản thế chấp. Tiền bán chiếc tàu được sử dụng để thanh toán nghĩa vụ cho ngân hàng X sau khi trừ chi phí bảo quản, bán chiếc tàu và các chi phí cần thiết khác có liên quan để bán chiếc tàu; việc thanh toán cho ngân hàng X theo thứ tự nợ gốc, lãi, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại nếu có; nếu tiền bán còn thừa thì phải trả lại cho anh A; nếu tiền bán còn thiếu thì anh A phải trả tiếp phần còn thiếu đó (Theo Điều 355 Bộ luật Dân sự năm 2005).

Các văn bản liên quan:

Bộ Luật 33/2005/QH11 Dân sự

Trả lời bởi: Admin Portal

1900.0191