Cố ý gây thương tích cho sức khỏe của người khác

Cố ý gây thương tích cho sức khỏe của người khác

Em tôi đang là sinh viên tại Hà Nội. Cậu ấy đi làm thêm và đi dán tờ rơi tại khu đô thị Văn Phú – Hà Đông. Bảo vệ ngăn không cho cậu ấy dán, cậu ấy đã gỡ xuống, xin lỗi nhưng người bảo vệ muốn bắt về nộp phạt. Sau đó hai bên va chạm đánh nhau, cậu ấy đánh bị thương người bảo vệ và cậu ấy cũng bị đánh. Sau đó người bảo vệ đi giám định thương tật và xác định tỷ lệ thương tật 29%. Gia đình chúng tôi đã đền bù vật chất theo yêu cầu của gia đình người bảo vệ, gia đình người bảo vệ đã rút đơn. Về phía chúng tôi cũng không tin vào kết quả giám định 29% vì chúng tôi thăm nom chăm sóc khi người bảo vệ vào viện rất chu đáo và thấy sau 3 ngày anh ấy đã xuất viện về nhà và sức khỏe đã bình thường. Vậy xin hỏi nếu phải ra tòa thì em tôi sẽ bị xử mức án thế nào? Nếu gia đình người bảo vệ rút đơn và đề nghị giảm án thấp nhất thì em tôi có thể được hưởng án treo để tiếp tục đi học được không? Nếu chúng tôi không tin vào kết quả giám định thương tật 29% thì có thể yêu cầu giám định lại không?

Gửi bởi: Phạm Thái Bình

Trả lời có tính chất tham khảo

Chào bạn

Thứ nhất, giả sử kết luận giám định về tỷ lệ thương tật của người bảo vệ kia là đúng, thì hành vi của em của bạn đã đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích cho sức khỏe của người khác theo Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999. Cụ thể Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác và hình phạt tương ứng như sau:

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.”

Thứ hai, theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 có quy định về vấn đề Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại cụ thể như sau:

“1. Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

2. Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.

Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.”

Như vậy, nếu hành vi cố ý gây thương tích của bạn thuộc khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì em của bạn chỉ bị khởi tố khi người bị hại yêu cầu khởi tố vụ án và ngược lại (căn cứ vào những thông tin mà bạn cung cấp thì hành vi của em của bạn sẽ thuộc khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999). Trong trường hợp này gia đình người bị hại đã rút đơn (có thể hiểu là rút yêu cầu khởi tố) thì em của bạn sẽ không làm sao cả.

Thứ ba, nếu gia đình em của bạn không tin vào kết quả giám định tỷ lệ thương tật kia, thì gia đình em của bạn có quyền yêu cầu giám định lại, và cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành giám định lại tỷ lệ thương tật, đảm bảo cho vụ án được xét xử đúng người đúng tội.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự

Bộ luật 19/2003/QH11 Tố tụng hình sự

Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý Viện Khoa học pháp lý

1900.0191