Công ty Luật hỗ trợ thu hồi nợ tại Hậu Giang – Người vay nợ bỏ trốn

Công ty Luật hỗ trợ thu hồi nợ tại Hậu Giang, người vay nợ bỏ trốn khi không trả được nợ. Ủy quyền nhà đất không có công chứng, chứng thực.

Ngày 15/10/2011 bạn thân của tôi (A) cho một người bạn khác (B) vay số tiền là 61 triệu đồng, có giấy biên nhận tiền có chữ ký cả hai bên, nhằm mục đích cho người đó vay để đầu tư vốn. Nhưng sau đó thua lỗ, B không có khả năng để trả lại tiền nên đã tự tay viết giấy ủy quyền nhà đất để gán nợ. Đến nay B vẫn chưa trả được nợ và B đã bỏ đi, không ai biết đi đâu. Hiện giờ bạn thân của tôi đã bị tai biến không có khả năng đi lại, làm việc được nên đã viết giấy ủy quyền lại cho tôi để đòi số tiền trên. Xin hỏi:

1. Có thể khởi tố B theo điều 140 Bộ luật Hình sự hay không?

2. Tôi có thể thay bạn thân của tôi để đòi quyền lợi cho bạn và giải quyết sự việc được không?

3. Giấy ủy quyền sử dụng đất do người đó viết có giá trị pháp luật hay không khi không có xác nhận của địa phương nơi người đó ở?

Gửi bởi: Trần Thanh Hải

Trả lời

1. Hành vi của B có thể bị khởi tố theo Điều 140 Bộ luật Hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không?

Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó, hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2009) như sau: Khoản 1: Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Khoản 2,3,4,5 Điều 140 Bộ luật Hình sự còn quy định về các tình tiết định khung tăng nặng và hình phạt bổ sung.

Đối chiếu với quy định nêu trên, để khởi tố B về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì phải thỏa mãn các dấu hiệu của tội phạm như (dưới đây chỉ nêu 2 dấu hiệu chủ thể và khách thể):

a. Dấu hiệu về chủ thể.

B phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

– Về tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12 Bộ luật Hình sự):

Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

– B không thuộc trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự theo Điều 13 Bộ luật Hình sự:

Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ vào tình hình thực tế, bạn có thể xác định xem B có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự hay không.

b. Dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm.

* Hành vi khách quan:

– Việc chuyển giao tài sản từ người bị hại sang người phạm tội xuất phát từ hợp đồng hợp pháp (vay, mượn, thuê …).

– Sau khi nhận được tài sản, người phạm tội mới dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản mà mình đang quản lý hoặc sử dụng vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Nếu không dùng thủ đoạn gian dối như vậy, nhưng sau khi đã nhận tài sản rồi bỏ trốn với ý thức không thanh toán, không trả lại tài sản thì cũng được coi là hành vi chiếm đoạt tài sản.

Theo thông tin bạn cung cấp thì B đã bỏ trốn mà không ai biết, nếu mục đích bỏ trốn của B là không trả nợ cho bạn của bạn thì hành vi khách quan này được coi là một trong những dấu hiệu khách quan của tội phạm.

* Hậu quả: Số tiền A cho B vay là 61 triệu nên đối chiếu với khoản 1 Điều 140 Bộ luật Hình sự, hành vi của B có thể bị khởi tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ngoài những dấu hiệu nêu trên thì khi xác định B có phạm tội theo Điều 140 Bộ luật Hình sự hay không, phải xác định hành vi đó có thỏa mãn những dấu hiệu khác không, như: dấu hiệu về khách thể, dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm. Việc xác định này sẽ do cơ quan có thẩm quyền tiến hành theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.

2. Bạn có thể thay mặt bạn thân bạn đứng ra giải quyết việc không?

Cá nhân có thể ủy quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự (khoản 1 Điều 143 Bộ luật Dân sự). Nếu A ủy quyền cho bạn thì bạn có thể thay mặt A để tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật để giải quyết vụ việc và đòi lại số tiền đã cho vay, như: liên hệ và thỏa thuận với B để đòi lại tiền; khởi kiện tại tòa án, tham gia các buổi làm việc tại cơ quan có thẩm quyền để giải quyết vụ việc… (theo nội dung ủy quyền của A). Nếu bạn được A ủy quyền tham gia tố tụng trong trường hợp khởi kiện yêu cầu đòi nợ tại tòa án thì bạn có quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo quy định tại Điều 73 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Tuy nhiên, với trường hợp mà bạn nêu thì cần lưu ý vấn đề sau: Theo như bạn nói thì hiện tại A đã bị tai biến không có khả năng đi lại, làm việc được nhưng bạn không nêu rõ A có bị mất năng lực hành vi dân sự hay không?

Ðiều 22 Bộ luật Dân sự quy định: Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

Như vậy, có hai trường hợp xảy ra:

– Trường hợp thứ nhất: A bị tai biến nhưng vẫn còn khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Trường hợp này, A vẫn có thể quyền cho B như đã nêu trên.

– Trường hợp thứ hai: A mất năng lực hành vi dân sự, do vậy, A không thể quyền cho bạn được. Trong trường hợp này, gia đình A phải làm thủ tục yêu cầu Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự và người đại diện cho A sẽ là người giám hộ của A. Người giám hộ đương nhiên của A (người mất năng lực hành vi dân sự) được xác định theo Điều 62 Bộ luật Dân sự:

+ Trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.

+ Trong trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo là người giám hộ.

+ Trong trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

Trong trường hợp A không có người giám hộ đương nhiên thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ.

Như vậy, ở trường hợp thứ hai thì người giám hộ của A sẽ đại diện cho A thực hiện các giao dịch dân sự, cũng như tiến hành đòi quyền lợi cho A liên quan đến hợp đồng vay tiền với B. Nếu không có điều kiện thực hiện thì người giám hộ này cũng có thể quyền cho bạn để thực hiện các giao dịch, thủ tục đó vì lợi ích của A.

3. Giấy ủy quyền sử dụng đất do B viết mà không có xác nhận của địa phương thì có giá trị pháp luật hay không?

Trong câu hỏi của bạn nêu rất chung chung: B viết giấy ủy nhà đất để gán nợ”. Vậy, nội dung ủy quyền là gì? Việc ”gán nợ” cụ thể như thế nào? Bởi lẽ, ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, còn bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định (Điều 581 Bộ luật Dân sự. Tức là, khi B viết giấy ủy quyền cho A thì tài sản là nhà đất vẫn thuộc quyền sở hữu/sử dụng của B, chứ không hề được chuyển giao cho A; A chỉ được thay mặt B thực hiện những nội dung theo ủy quyền đó. Vì vậy, việc “gán nợ” (B trả nợ A bằng giá trị quyền sử dụng đất của mình) là khó có thể thực hiện được.

Đối với vấn đề mà bạn hỏi là: Giấy ủy quyền do A viết mà không có xác nhận của địa phương thì có giá trị pháp luật hay không thì:

– Về hình thức của hợp đồng ủy quyền: Khoản 2 Điều 142 Bộ luật Dân sự quy định: Hình thức ủy quyền do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật quy định việc ủy quyền phải được lập thành văn bản.

– Về hình thức ủy quyền thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở: Khoản 6 Điều 63 Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở quy định: “Hợp đồng ủy quyền quản lý, trông coi, sử dụng nhà ở, uỷ quyền bán, cho thuê nhà ở phải có công chứng hoặc chứng thực. Các bên chỉ được ký kết hợp đồng uỷ quyền và cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực chỉ được thực hiện công chứng, chứng thực các hợp đồng ủy quyền quy định tại khoản này khi nhà ở đã được xây dựng xong (áp dụng đối với nhà ở có sẵn).

– Về hình thức ủy quyền thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sử dụng đất: Điều 115 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai quy định:

+ Người đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất là người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất quy định tại Điều 2 của Nghị định này.

+ Người đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất quy định tại khoản 1 Điều này được ủy quyền cho người khác theo quy định của pháp luật về dân sự.

+ Người đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất phải là người có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật về dân sự. Việc ủy quyền cho người đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất quy định tại khoản 2 Điều này phải bằng văn bản. Đối với hộ gia đình, cá nhân thì văn bản ủy quyền phải có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc chứng nhận của công chứng nhà nước.

Theo các quy định nêu trên thì Hợp đồng ủy quyền về bất động sản phải được công chứng, chứng thực. Do vậy, Hợp đồng ủy quyền viết tay (không có công chứng, chứng thực) của B chưa có hiệu lực và A không thể căn cứ vào đó để thực hiện các công việc được ủy quyền liên quan đến bất động sản của B được.

Các văn bản liên quan:

Nghị định 181/2004/NĐ-CP Về thi hành Luật Đất đai

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Nghị định 71/2010/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở

Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự

Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự

Trả lời bởi: CTV3

1900.0191