Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Vào khoảng tháng 7 do cần vay tiền nên tôi đã lên mạng tìm và gặp 1 mục quảng cáo cho vay tiền tín chấp. Tôi đã gọi vào số điện thoại của người này để lại, và được người này hướng dẫn đến ngân hàng ACB làm 1 thẻ ATM mang tên của tôi. Sau khi làm xong tôi đã gửi thẻ cho người này và mã pin cho người này vào trưa ngày 02/08. Đến khoảng 15/08 thì tôi liên lạc với anh ta không được nữa nên đã báo mất thẻ qua tổng đài ngân hàng ACB. Đến ngày 20/09 thì cơ quan công an quận Phú Nhuận có đến gặp tôi để làm rõ vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Có 1 người đã gửi 25 triệu VNĐ vào tài khoản của tôi để thuê xe, nhưng gửi tiền vào rồi thì không nhận được xe. Số tiền đã được rút ra vào ngày 11/08 tại cây ATM ở Đồng Nai. Người rút không phải là tôi vì lúc đó tôi đang ở Bến Tre. Tôi có tường trình nội dung trên cho điều tra viên. Sau đó cơ quan công an có viết giấy hẹn vào ngày 25/09 tôi phải đến công an Phú Nhuận để làm việc. Hiện giờ tôi rất hoang mang vì tôi đang làm việc tại cơ quan nhà nước. Gia đình tôi chấp nhận bồi thường cho người bị hại. Hỏi: trường hợp của tôi như vậy có bị xử tội gì không, nếu có hình phạt sẽ như thế nào?

Gửi bởi: Đào Duy Phước

Trả lời có tính chất tham khảo

Chào anh.

Hành vi của bạn là hành vi mở tài khoản ngân hàng rồi gửi cả thẻ và mật khẩu cho người đã hứa cho bạn vay tiền, (nhưng người này lại không những không cho bạn vay theo như thỏa thuận từ trước (thực chất là đây là một thủ đoạn lừa đảo) mà còn dùng thẻ và tài khoản ngân hành đó để đi lừa đảo người khác) không thể cấu thành tội phạm. Cụ thể không thể cấu thành tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009):

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Bởi vì bạn không thực hiện những hành vi được quy định tại điều luật này và bạn chính là người bị hại trong hành vi lừa đảo của người đã hứa cho bạn vay tiền.

Người đã hứa cho bạn vay tiền là người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đã đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định nêu trên, đã đưa ra những thông tin sai sự thật nhằm có được thẻ ATM và mật khẩu của thẻ, rồi dùng thủ đoạn lừa đảo để người khác chuyển tiền vào tài khoản nhằm chiếm đoạt tài sản có được (đưa ra thông tin thuê xe, đã nhận tiền nhưng không giao xe…).

Bạn cần hợp tác tốt với cơ quan điều tra nhằm làm rõ hành vi lừa đảo của người đã hứa cho bạn vay tiền.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự

Luật 37/2009/QH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự

Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Viện Khoa học pháp lý

1900.0191