Mẹ tôi có gây gổ với các anh thanh niên xung phong và bị đánh bầm gò má. Khi công an phường xuống và mời lên làm việc thì lúc này có một anh TTXD nói mất 1 cái điện thoại Iphone và tố cáo mẹ tôi lấy. Phía CA phường có tiến hành thủ tục khám xét nhà gia đình tôi nhưng không thu được tang vật gì. Phía CA cũng không đưa cho gia đình tôi biên bản khám xét. Hiện trường vụ xô xát cách nhà tôi khoảng 30m, và từ lúc gây gổ đến lúc CA xuống giải quyết mẹ tôi luôn đứng ngay tại chỗ, sự việc xảy ra ngoài đường nơi công cộng. Ngay thời điểm đó có hơn 10 anh TTXD và 1 số người dân. Vậy xin hỏi việc cơ quan CA khám xét nhà tôi là đúng hay không, nếu không thì có thể khiếu kiện ở đâu? Hành vi đánh mẹ tôi của TTXD có thể xử lí như thế nào? Xin trân trọng cám ơn!
Gửi bởi: Nguyễn Công Đức
Trả lời có tính chất tham khảo
Điều 140 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 có quy định về căn cứ khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm, đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm như sau:
1. Việc khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
Việc khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã.
2. Khi cần phải thu thập tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì có thể khám thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm.
Điều 141 quy định về thẩm quyền ra lệnh khám xét như sau:
1. Những người được quy định tại khoản 1 Điều 80 của BLTTHS năm 2003 có quyền ra lệnh khám xét trong mọi trường hợp. Lệnh khám xét của những người được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
2. Trong trường hợp không thể trì hoãn, những người được quy định tại khoản 2 Điều 81 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi khám xong, người ra lệnh khám phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Điều 143 quy định về khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm như sau:
1. Việc khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm được tiến hành theo quy định tại các điều 140, 141 và 142 của Bộ luật này.
2. Khi khám chỗ ở, địa điểm phải có mặt người chủ hoặc người đã thành niên trong gia đình họ, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng chứng kiến; trong trường hợp đương sự và người trong gia đình họ cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc đi vắng lâu ngày mà việc khám xét không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và hai người láng giềng chứng kiến.
3. Không được khám chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
4. Khi khám chỗ làm việc của một người thì phải có mặt người đó, trừ trường hợp không thể trì hoãn, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Việc khám chỗ làm việc phải có đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến.
5. Khi tiến hành khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xong.
Như vậy, nếu công an làm đúng theo các quy định nêu trên thì là hợp pháp và ngược lại nếu việc khám xét không đúng bạn có thể khiếu nại lên chính cơ quan công an tiến hành khám xét đó.
Còn về hành vi đánh mẹ bạn thì tùy vào tỷ lệ thương tật của mẹ bạn là trên hay dưới 11% và những tình tiết khác thì hành vi của những TTXD kia sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bạn có thể tham khảo Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội cố ý gây thương tích cho người khác và Điều 7 Nghị định 73/2010/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự và an toàn công cộng.
Các văn bản liên quan:
Nghị định 73/2010/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội
Bộ luật 19/2003/QH11 Tố tụng hình sự
Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Viện Khoa học pháp lý