Khiếu kiện quyết định không khởi tố vụ án

Khiếu kiện quyết định không khởi tố vụ án

Ngày 10/08/2011 chị tôi điều khiển xe máy trên đoạn đưòng quốc lộ thuộc huyện Núi Thành – Quảng Nam thì bị tài xế xe tải gây tai nạn làm thiệt mạng. Ngày 20/03/2012, gia đình tôi nhận được thông báo của cơ quan CSĐT huyện Núi Thành với nội dung rất chung: “không khởi tố vụ án hình sự, lỗi chính do người bị hại”. Trước đó cơ quan này đã ra quyết định số 13/QĐ về việc “không khởi tố vụ án hình sự”. Cơ quan này đã đọc cho gia đình tôi nghe về nội dung (trong đó có phân tích rõ lỗi của 2 bên, lỗi của bên gây tai nạn là chở quá trong tải 180% so với quy định). Tôi muốn hỏi rằng gia đình tôi có được quyền yêu cầu cơ quan này cung cấp quyết định đó cho gia đình tôi không, và cả hồ sơ xử lý vụ án nữa. Gia đình tôi muốn có để phục vụ cho việc khiếu kiện sau này. Và theo điều 202 Bộ luật Hình sự thì chở quá tải có phải là vi phạm về quy định an toàn giao thông không? Nếu có thì có khởi tố hình sự không? Rất mong nhận được câu trả lời từ quý cơ quan.

Gửi bởi: Dương Đức Bình

Trả lời có tính chất tham khảo

Thứ nhất, Điều 51 – Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 có quy định về Người bị hại như sau:

1. Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra.

2. Người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền:

a) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

b) Được thông báo về kết quả điều tra;

c) Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này;

d) Đề nghị mức bồi thường và các biện pháp bảo đảm bồi thường;

đ) Tham gia phiên toà; trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên toà để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;

e) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; kháng cáo bản án, quyết định của Toà án về phần bồi thường cũng như về hình phạt đối với bị cáo.

3. Trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại quy định tại Điều 105 của Bộ luật này thì người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày lời buộc tội tại phiên toà.

4. Người bị hại phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án; nếu từ chối khai báo mà không có lý do chính đáng thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 của Bộ luật Hình sự.

5. Trong trường hợp người bị hại chết thì người đại diện hợp pháp của họ có những quyền quy định tại Điều này.

Như vậy, gia đình bạn không có quyền yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng cung cấp quyết định không khởi tố và hồ sơ vụ án. Còn khi bạn thực hiện quyền khiếu nại của mình cơ quan có thẩm quyền giải quyết có cho bạn tiếp cận quyết định trên hay hồ sơ xử lý vụ án hay không còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề và do cơ quan có thẩm quyền giải quyết quyết định.

Thứ hai, khoản 1 Điều 202 – Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như sau:

Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. Và trở quá trọng tải cũng được coi là vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ và nếu gây thiệt hại và đủ các yếu tố cấu thành thì vẫn xử lý bình thường. Tuy nhiên, việc gây tai nạn hoàn toàn do lỗi của nạn nhân thì hành vi vi phạm trên của lái xe chỉ bị coi là vi phạm hành chính và phải chịu xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật và ngược lại, nếu không do lỗi của nạn nhân thì hành vi của người lái xe sẽ cấu thành tội phạm tại Điều 202 BLHS.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự

Bộ luật 19/2003/QH11 Tố tụng hình sự

Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Viện Khoa học pháp lý

1900.0191