Quyền và nghĩa vụ của Văn phòng giám định tư pháp được quy định trong Nghị định 85/2013/NĐ-CP như thế nào?
Gửi bởi: Nguyễn Bình Thắng
Trả lời có tính chất tham khảo
Theo Nghị định 85/2013/NĐ-CP thì:
Điều 18. Quyền và nghĩa vụ của Văn phòng giám định tư pháp
1. Văn phòng giám định tư pháp có quyền:
a) Thuê giám định viên tư pháp và nhân viên làm việc cho Văn phòng;
b) Thu chi phí giám định tư pháp theo quy định của pháp luật;
c) Thực hiện dịch vụ giám định ngoài tố tụng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức;
d) Được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế theo quy định tại Điều 22 của Nghị định này.
2. Văn phòng giám định tư pháp có nghĩa vụ:
a) Niêm yết công khai chi phí giám định tư pháp;
b) Thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho người lao động thuộc Văn phòng theo quy định của pháp luật;
c) Chấp hành các quy định của pháp luật về lao động, thuế, tài chính, thống kê; chấp hành các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc kiểm tra, thanh tra;
d) Báo cáo Sở Tư pháp và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp theo định kỳ hàng năm;
đ) Nộp lệ phí đăng ký hoạt động theo mức lệ phí đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và theo quy định của pháp luật có liên quan.
3. Các quyền và nghĩa vụ theo quy định, của Luật Giám định tư pháp, pháp luật về tố tụng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Ngoài ra Điều 19 còn quy định chuyển đổi loại hình Văn phòng giám định tư pháp như sau:
“1. Văn phòng giám định tư pháp có nhu cầu chuyển đổi loại hình hoạt động từ doanh nghiệp tư nhân sang công ty hợp danh và ngược lại phải có hồ sơ đề nghị chuyển đổi gửi Sở Tư pháp, nơi đăng ký hoạt động.
2. Hồ sơ đề nghị chuyển đổi loại hình hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp gồm có:
a) Đơn đề nghị chuyển đổi;
b) Đề án chuyển đổi loại hình hoạt động, trong đó nêu rõ lý do chuyển đổi, tình hình tổ chức và hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp tính đến ngày đề nghị chuyển, đổi, dự kiến về tổ chức, tên gọi, địa điểm đặt trụ sở, nhân sự, điều kiện vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định;
c) Bản sao quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp là thành viên hợp danh của Văn phòng;
d) Quyết định cho phép thành lập Văn phòng;
đ) Dự thảo Quy chế mới về tổ chức, hoạt động của Văn phòng.
3. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Khoản 2 Điều này, Sở Tư pháp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép chuyển đổi loại hình hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Văn phòng giám định tư pháp bị từ chối chuyển đổi loại hình hoạt động có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.
4. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép chuyển đổi loại hình hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Văn phòng giám định tư pháp bị từ chối chuyển đổi loại hình hoạt động có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.
5. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định cho phép chuyển đổi, Văn phòng giám định tư pháp phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp. Khi đăng ký, Văn phòng phải có đơn đăng ký hoạt động, bản sao quyết định cho phép chuyển đổi loại hình Văn phòng và giấy tờ chứng minh có đủ điều kiện bảo đảm hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp theo đề án quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.
Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng giám định tư pháp chuyển đổi; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Văn phòng giám định tư pháp bị từ chối cấp Giấy đăng ký hoạt động có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.
6. Văn phòng giám định tư pháp chuyển đổi loại hình được hoạt động kể từ ngày Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động; kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và có trách nhiệm lưu trữ toàn bộ hồ sơ, tài liệu của Văn phòng giám định tư pháp trước đó.”
Các văn bản liên quan:
Nghị định 85/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp
Trả lời bởi: hoidapphapluat