Xử lý hình sự với đồng phạm trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Xử lý hình sự với đồng phạm trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tôi và A nhờ 1 người bạn tên B thuê 1 chiếc xe máy sirius. Tôi và A lấy chiếc xe máy đấy và B hoàn toàn không biết đến khi chúng tôi đi xe về nhà. A bảo tôi sơn lại chiếc xe và mang đi bán thì bị công an bắt nhưng tôi và A đều chạy thoát. A là người lên kế hoạch tức là chủ mưu. Nếu bây giờ tôi tự thú thì tôi sẽ phải chịu mức án như nào?

Gửi bởi: Trần Tuấn Anh

Trả lời có tính chất tham khảo

1. Nguyên tắc xử lý hình sự đối với đồng phạm

Theo quy định tại Điều 3 của Bộ luật Hình sự thì nguyên tắc xử lý hình sự là mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật; mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội; nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng; khoan hồng đối với người tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác người đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra; đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, đã hối cải, thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục…

Đồng thời Điều 53 của Bộ luật Hình sự quy định cụ thể việc quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm như sau:Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Toà án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó”.

Do vậy, khi quyết định hình phạt, Tòa án sẽ xem xét cụ thể và có tính đến các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của bạn. Bạn nên đi tự thú vì tự thú sẽ là một trong những tình tiết giảm nhẹ để Tòa án xem xét, quyết định giảm nhẹ hình phạt cho bạn.

2. Xác định tội danh

Theo quy định tại Điều 139 của Bộ luật Hình sự thì người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 thì sẽ bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm; thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm và thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự

Trả lời bởi: Nguyễn Thị Phương Liên – Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật

1900.0191