Tôi có cho 1 người vay tiền mặt và sử dụng biện pháp giao dịch bảo đảm là Ngôi nhà trị giá 2 tỷ. Tôi ra văn phòng công chứng làm “Hợp đồng cho vay có biện pháp đảm bảo” (căn nhà nói trên) với số tiền là 1,3 tỷ. Hợp đồng có thời hạn là 03 tháng và đến nay đã hết hạn 01 năm. Do bên vay vỡ nợ nên đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú, nhưng trước khi bỏ trốn có làm giả bìa đỏ ngôi nhà trên và cầm đồ cho 1 cửa hiệu 500 triệu( giấy tờ viết tay). Trong hợp đồng công chứng có nêu: nếu bên vay không có mặt (hoặc không hợp tác) khi hết hạn thì tôi đơn phương đưa tài sản đảm bảo ra bán đấu giá để thu hồi tiền vay. Nhưng khi đưa ra để xử lý thì chủ cửa hiệu cầm đồ trên có đưa đơn ra cơ quan công an (gồm bìa đỏ giả và giấy vay tiền) tố cáo là bị lừa đảo, vì vậy cơ quan chức năng dừng việc xử lý tài sản trên và đưa ra yêu cầu phải bắt được người vay trên mới giải quyết. Như vậy là đúng hay sai, bây giờ tôi phải làm như thế nào để xử lý tài sản trên để thu hồi tiền về. Rất mong nhận được sự trả lời. Xin chân thành cảm ơn!
Gửi bởi: TC
Trả lời có tính chất tham khảo
Theo thông tin bạn gửi đến thì việc chủ cửa hiệu cầm đồ trên có đưa đơn ra cơ quan công an (gồm bìa đỏ giả và giấy vay tiền) tố cáo là bị lừa đảo được coi là cơ sở để xác định dấu hiệu tội phạm. Theo đó, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Việc khởi tố vụ án hình sự được thực hiện khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm.
Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để giúp cho quá trình điều tra. Vì tài sản bạn nêu có liên quan đến hành vi có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên có thể bạn bị dừng việc xử lý tài sản.
Bạn nên làm đơn (với nội dung nêu rõ đã nhận tài sản trên để bảo đảm nghĩa vụ của người quen đối với bạn) gửi tới cơ quan điều tra để được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trả lời bởi: CTV3