Hùng (14 tuổi) đá bóng bổng chạm vào dây điện trần bằng nhôm làm 2 dây va vào nhau, bộ phận máy biến thế bị hỏng không thể tự ngắt điện nên máy biến thế phải mang đi sửa chữa. Máy biến thế trị giá 150 triệu đồng và tiền sửa chữa là 50 triệu đồng. Hỏi Hùng có bị xử phạt hành chính không và hình thức xử phạt như thế nào?
Gửi bởi: Mai Quỳnh Anh
Trả lời có tính chất tham khảo
Khoản 1, khoản 3 Điều 7 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 sửa đổi bổ sung năm 2007, 2008 quy định:
“1. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì bị phạt cảnh cáo…
3. Người chưa thành niên vi phạm hành chính gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”
Điểm a khoản 1 điều 5 Nghị định số 68/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 06 năm 2010 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực cũng có quy định:
“Cảnh cáo được áp dụng đối với … mọi vi phạm do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản.”
Hùng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực nhưng do Hùng là người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nên theo những quy định trên, Hùng chỉ có thể bị xử phạt hành chính dưới hình thức cảnh cáo.
Hành vi của Hùng làm hỏng trạm biến thế nên Hùng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra. Theo quy định của pháp luật dân sự về Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân, do Hùng chưa đủ 15 tuổi nên Hùng không phải tự mình thực hiện trách nhiệm bồi thường. Việc bồi thường thiệt hại do người dưới 15 tuổi gây ra được thực hiện theo quy định tại Điều 606 và 621 Bộ luật Dân sự như sau:
1. Người dưới mười lăm tuổi trong thời gian học tại trường mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.
2. Ngoài trường hợp nêu trên hoặc nhà trường chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý thì cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi phải bồi thường theo nguyên tắc:
– Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu,
– Người chưa thành niên mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường./.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Pháp lệnh 44/2002/PL-UBTVQH10 Xử lý vi phạm hành chính
Pháp lệnh 31/2007/PL-UBTVQH11 Sửa đổi một số điều của pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính
Pháp lệnh 04/2008/PL-UBTVQH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính
Trả lời bởi: CTV1