Bố mẹ li hôn muốn cho con tài sản chung là quyền sử dụng đất

Bố mẹ li hôn muốn cho con tài sản chung là quyền sử dụng đất

Tôi và chồng cùng thống nhất li hôn, về mặt tài sản anh ấy để lại cho con. Chúng tôi có một ngôi nhà cấp bốn anh ấy muốn để con đứng tên. Tôi muốn hỏi con chúng tôi mới 3 tuổi có được đứng tên hay không? Hiện nay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn đứng tên hai vợ chồng và đang thế chấp tại ngân hàng.

Gửi bởi: lai thi dung

Trả lời có tính chất tham khảo

1. Về quyền tặng, cho con quyền sử dụng đất:

Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 348 Bộ luật Dân sự năm 2005 bên thế chấp tài sản không được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp. Như vậy, chỉ khi nào trả xong nợ, giải chấp tài sản thế chấp thì anh chị mới có thể thực hiện quyền của người sử dụng đất như tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Trường hợp sau khi trả xong nợ ngân hàng, giải chấp tài sản thế chấp, mà anh chị muốn tặng cho con thì anh/chị phải lập hợp đồng tặng cho. Theo quy định tại khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 thì hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực. Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

2. Con 3 tuổi có được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi được tặng, cho không?

Điều 21 Bộ luật Dân sự 2005 quy định người chưa đủ sáu tuổi không có năng lực hành vi dân sự và mọi giao dịch dân sự của người dưới 6 tuổi phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện. Vì vậy, nếu muốn thực hiện hợp đồng tặng, cho quyền sử dụng đất cho con của anh/chị, theo quy định tại Điều trên thì để xác lập giao dịch với người dưới 6 tuổi thì cần có người đứng ra đại diện cho người đó.

Người đại diện theo pháp luật theo Điều 141 Bộ luật Dân sự 2005 gồm có:

– Cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

– Người giám hộ đối với người được giám hộ;

– Người được Toà án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

– Người đứng đầu pháp nhân theo quy định của điều lệ pháp nhân hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Chủ hộ gia đình đối với hộ gia đình;

– Tổ trưởng tổ hợp tác đối với tổ hợp tác;

– Những người khác theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó (khoản 5 Điều 144 Bộ luật Dân sự). Như vậy, anh/chị không thể cùng lúc vừa là bên tặng, cho, vừa là người đại diện cho bên nhận tặng, cho. Nếu anh/chị muốn tặng, cho quyền sử dụng đất cho con của anh/chị thì cần có người khác có đủ tư cách pháp lý làm người đại diện cho con anh/chị thực hiện giao dịch tặng, cho tài sản trên như: anh, chị ruột hoặc ông, bà nội ngoại của người được tặng, cho.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Luật 45/2013/QH13 Đất đai

Trả lời bởi: vietduc

1900.0191