Tôi muốn xin cấp bản sao từ sổ gốc giấy khai sinh cho con trai tôi để làm thủ tục đi du học. Cháu sinh năm 1989; giấy khai sinh ngày ấy ghi tuổi của bố và tuổi của mẹ không ghi năm sinh của bố và mẹ như hiện nay. Tôi có đến phường nơi tôi khai sinh cho cháu cán bộ tư pháp của phường không ghi năm sinh của bố và mẹ trên bản sao và cũng không ghi tuổi của bố mẹ trên bản sao nên bản sao đó khi nộp hồ sơ bị trả lại. Tôi phải căn cứ vào đâu để phường ghi năm sinh của vợ chồng tôi vào bản sao cho cháu?
Gửi bởi: Đặng Thị Khiếu
Trả lời có tính chất tham khảo
Hiện nay do sự thay đổi mẫu giấy khai sinh theo Thông tư số 08.a/2010/TT-BTP nên trong mẫu giấy khai sinh không ghi tuổi của bố mẹ mà ghi năm sinh. Mặt khác, theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP thì: “Bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch là bản sao do cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều này, căn cứ vào sổ hộ tịch hiện đang lưu trữ để cấp cho người có yêu cầu” mà tại thời điểm bạn đăng ký khai sinh cho con năm 1989 thì mẫu giấy đăng ký khai sinh ghi tuổi của bố, mẹ. Đây là một vướng mắc trong thực tế ở nhiều địa phương. Trong trường hợp này nếu linh động cán bộ tư pháp hộ tịch sẽ căn cứ vào năm đăng ký khai sinh và tuổi ghi trong giấy khai sinh cảu bố mẹ để tính ra năm sinh của bố mẹ và ghi vào giấy khai sinh bản sao. Tuy nhiên, cán bộ tư pháp đã bỏ trống mục ghi năm sinh của bố mẹ trong giấy khai sinh bản sao, do đó, bạn sẽ thực hiện thủ tục “Bổ sung những nội dung chưa được đăng ký trong Sổ đăng ký khai sinh và trong bản chính Giấy khai sinh” theo quy định tại khoản 5 Điều 36 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP. Như vậy, trong sổ hộ tịch đã có nội dung năm sinh của bố mẹ và bạn sẽ được cấp bản sao giấy khai sinh với đầy đủ các nội dung.
Các văn bản liên quan:
Thông tư 08.a/2010/TT-BTP Về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng sổ, biểu mẫu hộ tịch
Nghị định 158/2005/NĐ-CP Về đăng ký và quản lý hộ tịch
Trả lời bởi: CTV6