Năm 2000 tôi kết hôn, sau 2 năm chung sống với chồng tôi sinh con lần 1 và sinh 1 bé gái, tôi khai sinh cho con theo họ của bố cháu bé. Cuộc sống gia đình sau đó sảy ra nhiều mâu thuẫn. Tới tháng 6 năm 2013 tôi có thai lần 2 tôi và chồng lại xảy ra mâu thuẫn sâu sắc, chúng tôi quyết định sống li thân. Tới tháng 3 năm 2014 tôi sinh cháu hiện nay chúng tôi bị mất đăng kí kết hôn, hộ khẩu gia đình không có tên chồng tôi, vậy tôi có được làm khai sinh cho con theo họ của tôi không? Thủ tục cần những gì xin quý cơ quan tư vấn giúp.
Gửi bởi: Hoàng Lan
Trả lời có tính chất tham khảo
Chào bạn!
Mục II, khoản 1, điểm e Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định rõ về việc xác định họ và quê quán như sau:
“Khi đăng ký khai sinh, họ và quê quán của con được xác định theo họ và quê quán của người cha hoặc họ và quê quán của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha, mẹ”
Như vậy, theo quy định của pháp luật nói trên thì trong mọi trường hợp khi đăng ký khai sinh cho con, hoàn toàn có thể đăng ký theo họ cha hoặc họ mẹ miễn là nó đúng theo phong tục tập quán nơi cha mẹ đứa trẻ sinh sống hoặc đúng theo sự thỏa thuận của cha mẹ.
Trong trường hợp của bạn, bạn hoàn toàn có thể khai sinh cho con theo họ của mình sau khi đã thỏa thuận thống nhất với cha của đứa bé.
Về thủ tục đăng ký khai sinh, bạn thực thiện các công việc đăng ký khai sinh theo thủ tục thông thường được quy định tại Điều 15 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch như sau:
“1. Người đi đăng ký khai sinh phải nộp Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn).
Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.
Trong trường hợp cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em, thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.
2. Sau khi kiểm tra các giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người đi khai sinh một bản chính Giấy khai sinh. Bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh.
3. Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì Ủy ban nhân dân cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh »
Trong trường hợp của bạn nếu cán bộ tư pháp địa phương hiểu rõ mối quan hệ hôn nhân của vợ chồng bạn thì bạn sẽ không phải xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kết hôn nữa và việc mất giấy này không ảnh hưởng gì đến việc đi khai sinh cho cháu bé. Còn trong trường hợp cán bộ tư pháp địa phương không biết về mối quan hệ của hai bạn thì bạn phải xin cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của hai vợ chồng để làm khai sinh cho con.
Các văn bản liên quan:
Thông tư 01/2008/TT-BTP Hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch
Nghị định 158/2005/NĐ-CP Về đăng ký và quản lý hộ tịch
Trả lời bởi: CTV7