Không được cấp lại giấy khai sinh vì không có trích lục

Không được cấp lại giấy khai sinh vì không có trích lục

Mẹ tôi sinh năm 1955 quê quán tại Cần Giờ, mẹ tôi được sinh ra trong giai đoạn đang còn chiến tranh nên không làm được giấy khai sinh. Đến năm 1985 qua Vũng Tàu sinh sống và có hộ khẩu thường trú tại phường 2 Tp. Vũng Tàu. Hiện nay mẹ tôi muốn làm lại giấy khai sinh nhưng Uỷ ban nhân dân huyện Cần Giờ không làm cho do không có trích lục giấy khai sinh. Theo Điều 48, Nghị định 158/2005/NĐ-CP tôi thấy có thể làm lại giấy khai sinh tại nơi thường trú. Xin hỏi với trường hợp của mẹ tôi khi đem đủ các giấy tờ có liên quan như: tờ khai đăng ký lại việc sinh theo mẫu STP/HT-2006-KS.2, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu thì có được cấp lại giấy khai sinh không? Uỷ ban nhân dân huyện Cần Giờ không cấp lại giấy khai sinh cho mẹ tôi có đúng quy định của pháp luật hay không? Mong nhận được hướng dẫn để mẹ tôi được cấp lại giấy khai sinh?

Gửi bởi: Vũ Thị Hồng Tâm

Trả lời có tính chất tham khảo

Theo như bạn trình bày thì mẹ bạn thuộc trường hợp phải đăng ký khai sinh theo thủ tục đăng ký khai sinh quá hạn. Việc Uỷ ban nhân dân huyện Cần Giờ không cấp lại giấy khai sinh cho mẹ bạn với lý do mẹ bạn không có trích lục giấy khai sinh là không đúng với các quy định của pháp luật về hộ tịch mà Uỷ ban nhân dân huyện Cần Giờ từ chối không cấp Giấy khai sinh do không đúng thẩm quyền, vì theo Điều 44 Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ quy định về đăng ký và quản lý hộ tịch đã quy định Thẩm quyền đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn như sau:

1. Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi có thẩm quyền đăng ký khai sinh theo quy định tại Điều 13 của Nghị định này thực hiện việc đăng ký khai sinh quá hạn.

Trong trường hợp người đã thành niên đăng ký khai sinh quá hạn cho mình, thì có thể đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi có thẩm quyền đăng ký khai sinh theo quy định tại Điều 13 của Nghị định này hoặc tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó cư trú.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi có thẩm quyền đăng ký khai tử theo quy định tại Điều 19 của Nghị định này thực hiện việc đăng ký khai tử quá hạn.

Tại Điều 45 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về Thủ tục đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn có quy định:

1. Người đi đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn phải nộp các giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 15 (nếu là khai sinh) hoặc khoản 1 Điều 21 (nếu là khai tử) của Nghị định này.

2. Sau khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng ký theo từng loại việc và bản chính Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng tử. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người đi đăng ký một bản chính Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng tử. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh hoặc Sổ đăng ký khai tử phải ghi rõ “Đăng ký quá hạn.”

Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn xác minh không quá 5 ngày.

4. Khi đăng ký khai sinh quá hạn cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân như: Sổ hộ khẩu, Giấy chứng minh nhân dân, học bạ, bằng tốt nghiệp, lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên, mà trong các hồ sơ, giấy tờ đó đã có sự thống nhất về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán, thì đăng ký đúng theo nội dung đó. Trường hợp họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán trong các hồ sơ, giấy tờ nói trên của người đó không thống nhất thì đăng ký theo hồ sơ, giấy tờ được lập đầu tiên. Trong trường hợp địa danh đã có thay đổi, thì phần khai về quê quán được ghi theo địa danh hiện tại.

Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên thì mẹ bạn có thể đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi có thẩm quyền đăng ký khai sinh theo quy định tại Điều 13 của Nghị định 158/2005/NĐ-CP hoặc tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi mẹ bạn cư trú.

Các văn bản liên quan:

Nghị định 158/2005/NĐ-CP Về đăng ký và quản lý hộ tịch

Trả lời bởi: Chuyên viên – Vụ Hành chính tư pháp

1900.0191