Ly hôn khi con 5 tháng tuổi

Ly hôn khi con 5 tháng tuổi

Tôi ở Quảng Nam, đăng ký kết hôn với chồng tôi tại nơi thường trú của chồng ở Thanh Hóa. Vợ chồng tôi đã có một đứa con 5 tháng tuổi. Do đời sống vợ chồng có nhiều bất hòa nên tôi đã đưa con về Quảng Nam sinh sống. Nay chồng tôi muốn ly hôn, nhưng do điều kiện xa tôi không thể ký vào đơn ly hôn được. Xin hỏi:

1. Tôi có thể ly hôn được không nếu tôi không ký vào đơn và không có mặt ở quê chồng để ly hôn?

2. Nếu ly hôn, tôi có được quyền nuôi con không?

Gửi bởi: nguyễn thị ái vy

Trả lời có tính chất tham khảo

1. Về việc ly hôn

Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:

“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.

Do con của bạn mới được 5 tháng tuổi, cho nên chồng bạn không có quyền yêu cầu ly hôn. Tòa án chỉ xem xét việc ly hôn nếu như bạn có yêu cầu hoặc cả hai vợ chồng thuận tình ly hôn.

Sau này, khi con của bạn đã trên 12 tháng tuổi, chồng bạn yêu cầu ly hôn và nộp đơn yêu cầu ly hôn (ly hôn theo yêu cầu của một bên) thì bạn không cần ký vào đơn. Về việc có bắt buộc phải có mặt tại Phiên tòa xét xử ly hôn hay không, Điều 199 của Bộ luật tố tụng dân sự quy định:

“1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt; trường hợp có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

Tòa án thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự biết việc hoãn phiên tòa.

2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì xử lý như sau:

a) Nguyên đơn, người đại diện theo pháp luật vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn;

b) Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

c) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập của mình và Tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn;

d) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ”.

Như vậy, bạn có thể không cần thiết phải có mặt tại Phiên tòa mà bạn có thể làm đơn đề nghị xét xử vắng mặt hoặc Tòa án sẽ tiến hành xét xử vắng mặt nếu bạn đã được triệu tập đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt.

2. Về quyền nuôi con sau khi ly hôn

Theo quy định tại Điều 81 của Luật hôn nhân và gia đình thì việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn được quy định như sau:

“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.

Nếu khi ly hôn, con bạn dưới 36 tháng tuổi thì sẽ giao cho bạn trực tiếp nuôi dưỡng.

Bố cháu bé có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật hôn nhân và gia đình, cụ thể:

“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.

Các văn bản liên quan:

Luật 52/2014/QH13 Hôn nhân và gia đình

Trả lời bởi: Nguyễn Thị Phương Liên – Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật

1900.0191