Tôi sinh năm 1986 tại Nam Định, lúc đó tên tỉnh là Hà Nam Ninh, vì thế trong Giấy khai sinh ghi nơi sinh là Hà Nam Ninh. Sau này khi tôi lam Chứng minh nhân dân lại ghi nguyên quán là Nam Định, tuy nhiên các loại bằng cấp của tôi cũng không thống nhất về nơi sinh(từ cấp 1 đến cấp 3 nơi sinh là Nam Định, bằng đại học lai ghi nơi sinh là Hà Nam Ninh. Xin hỏi các loại giấy tờ của tôi không thống nhất như vậy thì có ảnh hưởng gì đến các giao dịch dân sự và cuộc sống của tôi không?
Gửi bởi: lê quốc hưng
Trả lời có tính chất tham khảo
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ quy định về đăng ký và quản lý hộ tịch, thì giá trị pháp lý của Giấy khai sinh như sau:
“Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy Khai sinh của người đó”.
Do vậy, để các giấy tờ khác của bạn thống nhất với Giấy khai sinh về nơi sinh để tiện cho các giao dịch sau này của bạn thì bạn phải mang Giấy khai sinh đó đến các cơ quan có liên quan để đính chính lại thông tin về nơi sinh (cơ quan đã cấp bằng cấp I, II, III cho bạn), Riêng đối với Chứng minh nhân dân, do khi bạn làm Chứng minh nhân dân thì trong nội dung của Chứng minh nhân dân không có phần ghi thông tin về nơi sinh mà chỉ có phần ghi thông tin về nguyên quán, do vậy bạn không cần phải làm thủ tục đổi lại Chứng minh nhân dân.
Các văn bản liên quan:
Nghị định 158/2005/NĐ-CP Về đăng ký và quản lý hộ tịch
Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Vụ Hành chính tư pháp