Anh Đăng (sn 12/01/1980) và chị Vân (sn 03/07/1981) sống chung với nhau như vợ chồng từ năm 2004 tại phường 5, quận 6 thành phố TH nhưng không đăng ký kết hôn. Năm 2005, hai anh chị có với nhau một con chung. Tính đến năm 2013, hai người có khối tài sản chung trị giá 800 triệu đồng (do chị Vân quản lý). Đầu năm 2013, quan hệ giữa anh Đăng và chị Vân mâu thuẫn trầm trọng do anh Đăng có mối quan hệ với chị Phượng – láng giềng. Anh Đăng đã bàn với chị Phượng chuyển đến địa phương khác sống chung. Tại UBND xã KL, huyện NĐ, tỉnh NA nơi chị Phượng đăng ký tạm trú, anh Đăng, chị Phương đã đăng ký kết hôn và họ được cấp giấy chứng nhận kết hôn ngày 08/03/2014. Hai người có 1 con chung và cùng tạo dựng được khối tài sản chung trị giá 400 triệu đồng. Ngày 15.03.2015, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện NĐ nộp đơn yêu cầu tòa án nhân dân huyện NĐ huỷ việc kết hôn của anh Đăng và chị Phượng.Hỏi:
1. Tòa án có chấp nhận yêu cầu của Hội Liên hiệp Phụ nữ địa phương không?
2. Nếu anh Đăng và chị Vân tranh chấp tài sản và không thỏa thuận được về quyền quyền, nghĩa vụ với con chung thì sẽ giải quyết như thế nào?
Gửi bởi: Mai Tiến Dũng
Trả lời có tính chất tham khảo
1. Về yêu cầu hủy việc kết hôn của anh Đăng và chị Phượng của Hội liên hiệp phụ nữ địa phương.
Do anh Đăng và Chị Vân sống với nhau như vợ chồng từ năm 2004 nhưng không đăng ký kết hôn nên theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật hôn nhân và gia đình 2000 thì trường hợp nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng.
Vì vậy, việc anh Đăng với chị Phượng đăng ký kết hôn với nhau không thuộc trường hợp cấm kết hôn theo Luật hôn nhân và gia đình 2000 (do nội dung hỏi không nhắc đến tình trạng hôn nhân của chị Phượng nên chúng tôi hiểu rằng chị Phượng không thuộc trường hợp đang có chồng). Cụ thể, khoản 1 Điều 10 Luật này quy định việc kết hôn bị cấm trong trường hợp người đang có vợ hoặc có chồng. Theo đó, việc Hội liên hiệp phụ nữ địa phương yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật là không có căn cứ.
2. Về tranh chấp tài sản, quyền nuôi con giữa anh Đăng và chị Vân
– Liên quan đến tranh chấp về tài sản: trước hết sẽ ưu tiên giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp các bên không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì sẽ giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan trên cơ sở bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con. Việc giải quyết tranh chấp tài sản sẽ áp dụng nguyên tắc tài sản riêng của ai thì thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản do hai người cùng tạo lập mà không thể tự thỏa thuận việc chia tài sản thì Tòa án sẽ xem xét dựa trên công sức đóng góp của mỗi bên trên cơ sở bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con;công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
– Liên quan đến tranh chấp quyền nuôi con: trường hợp hai bên không thỏa thuận được ai là người trực tiếp nuôi con thì theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con để quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi.
Các văn bản liên quan:
Luật 52/2014/QH13 Hôn nhân và gia đình
Luật 22/2000/QH10 Hôn nhân và gia đình
Trả lời bởi: vietduc