Xác nhận tình trạng hôn nhân của người đã lấy chồng Trung Quốc

Xác nhận tình trạng hôn nhân của người đã lấy chồng Trung Quốc

Em tôi đã lấy chồng Trung Quốc về bên chồng được một thời gian, cuộc sống không hạnh phúc trở về Việt Nam định xác nhận tình trạng hôn nhân để tiếp tục lấy chồng nước ngoài nhưng không biết em tôi có đăng ký kết hôn chưa. Tôi đến ủy ban xã xác nhận thì cán bộ cho rằng tôi không làm thay được, yêu cầu em tôi đến để làm thủ tục và phải làm cam đoan về việc chưa đăng ký kết hôn với ai và chịu trách nhiệm với lời cam đoan đó. Cho tôi hỏi cán bộ hướng dẫn như vậy có đúng không?

Gửi bởi: Le Nguyen Ngoc Han

Trả lời có tính chất tham khảo

Cán bộ UBND xã có hướng dẫn bạn các vấn đề sau:

Thứ nhất: Đối với vấn đề thay em bạn làm giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho em bạn.

Theo quy định của Nghị định số 06/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về Hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực tại Điều 1 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch thì:

“Người có yêu cầu đăng ký hộ tịch (trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký giám hộ, đăng ký việc nhận cha, mẹ, con) hoặc yêu cầu cấp các giấy tờ về hộ tịch mà không có điều kiện trực tiếp đến cơ quan đăng ký hộ tịch, thì có thể ủy quyền cho người khác làm thay. Việc ủy quyền phải bằng văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực hợp lệ.

Nếu người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền, thì không cần phải có văn bản ủy quyền, nhưng phải có giấy tờ chứng minh về mối quan hệ nêu trên.”

Theo đó, trong mọi trường hợp nói trên, nếu không có điều kiện đến Ủy ban nhân dân xã để làm thủ tục trực tiếp thì em bạn đều có quyền ủy quyền cho người khác làm thay với điều kiện như sau:

Một là: nếu bạn là anh/chị ruột của em bạn thì hoàn toàn có thể được em bạn ủy quyền làm thay thủ tục xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho em bạn tại Ủy ban nhân dân xã mà không cần giấy tờ ủy quyền, tuy nhiên, bạn cần có giấy tờ chứng minh cho cán bộ tư pháp – hộ tịch của xã là mình là anh/chị ruột của em bạn, ví dụ: sổ hộ khẩu của gia đình hoặc giấy tờ chứng minh khác.

Hai là: trong trường hợp bạn chỉ là anh/chị em họ hoặc người có mối quan hệ khác với em bạn thì bạn vẫn có thể làm thay em bạn các thủ tục tại UBND xã với điều kiện có giấy ủy quyền của em bạn (đã được công chứng/chứng thực hợp lệ).

Thứ hai: Đối với việc yêu cầu em bạn làm cam đoan về việc chưa đăng ký kết hôn với ai và phải chịu trách nhiệm về lời cam đoan đó.

Trong quá trình làm thủ tục xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thì theo quy định của Nghị định số 06/2012/NĐ-CP ngày 02/02/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về Hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực tại mục 20 Điều 1 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch thì:

“Người yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định). (Mẫu tờ khai xác nhận tình trạng hôn nhân kèm theo Thông tư số 09b/2013/TT-BTP ngày 20/5/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 08.a/2010/TT-BTP ngày 25/3/2010 của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng sổ, biểu mẫu hộ tịch và Thông tư số 05/2012/TT-BTP ngày 23/5/2012 của Bộ tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08.a/2010/TT-BTP)

Trong trường hợp người yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã có vợ, có chồng, nhưng đã ly hôn … thì phải xuất trình trích lục Bản án/Quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về việc ly hôn …”

Mục II Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch. Tại điểm d, phần 2 về đăng ký kết hôn như sau:

“ Đối với những người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau (kể cả thời gian cư trú ở nước ngoài), mà Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi xác nhận tình trạng hôn nhân không rõ về tình trạng hôn nhân của họ ở những nơi đó, thì yêu cầu đương sự viết bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian trước khi về cư trú tại địa phương và chịu trách nhiệm về việc cam đoan”

Do đó, trong trường hợp của em bạn, nếu đã kết hôn và ly hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc thì em bạn phải xuất trình trích lục Bản án/Quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án Trung Quốc về việc đã ly hôn; nếu em bạn không có giấy tờ chứng minh nói trên, và cũng không rõ về việc mình đã kết hôn hay chưa và Ủy ban nhân dân xã cũng không rõ về tình trạng hôn nhân của em bạn tại Trung quốc vào thời điểm trước đó thì em bạn phải viết bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian sống tại Trung Quốc với chồng trước khi về cư trú tại địa phương và phải chịu trách nhiệm về việc cam đoan này.

Như vậy, về cơ bản cán bộ Tư pháp – hộ tịch hướng dẫn em bạn phải hoàn tất hồ sơ xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho mình và đến nộp trực tiếp tại Ủy ban nhân dân xã kèm theo bản cam đoan và chịu trách nhiệm về cam đoan của mình là hoàn toàn có căn cứ pháp lý. Tuy nhiên, trong trường hợp không đến nộp hồ sơ trực tiếp được thì bạn có thể nộp thay và phải xuất trình giấy tờ hợp lệ theo hướng dẫn ở bên trên.

Các văn bản liên quan:

Nghị định 06/2012/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực

Thông tư 01/2008/TT-BTP Hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch

Thông tư 09b/2013/TT-BTP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08.a/2010/TT-BTP ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng sổ, biểu mẫu hộ tịch và Thông tư số 05/2012/TT-BTP ngày 23 tháng 5 năm 2012 của Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08.a/2010/TT-BTP

Trả lời bởi: CTV7

1900.0191