Bảo vệ lợi ích của phụ nữ và trẻ em khi ly hôn

Bảo vệ lợi ích của phụ nữ và trẻ em khi ly hôn

Đầu năm 2002, anh Đào Bá Trường và chị Lương Thị Thuỳ kết hôn. Cuối năm 2002, chị Thuỳ sinh được một cháu trai là Đào Bá Thành. Hai vợ chồng sống hạnh phúc được hơn một năm thì nảy sinh mâu thuẫn do anh Trường thường xuyên la cà hàng quán, lấy tài sản trong nhà đi đánh bạc. Khi thua bạc, anh Trường thường đánh vợ con, đã có lần chị Thuỳ phải đi cấp cứu, chính quyền địa phương phải can thiệp. Chị Thuỳ đã nhiều lần nhờ người thân, làng xóm khuyên can nhưng anh Trường vẫn không từ bỏ được tệ đánh bạc và hành hạ vợ con.

Không thể tiếp tục duy trì quan hệ vợ chồng, tháng 8/2006, chị Thuỳ làm đơn đề nghị Toà án giải quyết cho ly hôn và xin được nuôi con. Anh Trường đồng ý ly hôn nhưng không đồng ý để chị Thuỳ nuôi con vì đứa bé mang họ của anh. Chị Thuỳ đã đến gặp cán bộ tư pháp xã nhờ giúp đỡ. Vậy, cán bộ tư pháp xã phải tư vấn cho chị Thuỳ cách bảo vệ quyền nuôi con của mình như thế nào?

Gửi bởi: Admin Portal

Trả lời có tính chất tham khảo

Vấn đề pháp lý đặt ra trong tình huống nói trên là nguyện vọng xin được nuôi con của chị Thuỳ sẽ được giải quyết như thế nào khi giải quyết ly hôn. Để giúp chị Thuỳ có được những hiểu biết pháp luật cần thiết, từ đó thực hiện nguyện vọng và bảo vệ quyền được nuôi con của mình, cán bộ tư pháp cần phân tích để chị Thuỳ nắm rõ các vấn đề sau đây:

Quyền bình đẳng của cha mẹ trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chung

Theo nguyên tắc chung về quan hệ giữa vợ và chồng được quy định tại Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì vợ, chồng bình đẳng với nhau, có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình. Trên cơ sở quy định này có thể hiểu, người cha và người mẹ bình đẳng với nhau trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái. Do đó, anh Trường, chồng chị Thuỳ không thể đưa ra lý do là do đứa con mang họ của anh nên anh có quyền nuôi con sau khi ly hôn. Pháp luật không chấp nhận lý do này làm căn cứ để giải quyết yêu cầu được nuôi con khi ly hôn.

Bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em khi giải quyết ly hôn

Khi giải quyết ly hôn, quyền bình đẳng của cha mẹ trong nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng là một căn cứ quan trọng để Toà án có thẩm quyền xem xét, quyết định việc giao con chung cho người vợ hay người chồng nuôi dưỡng. Do đó, theo khoản 2 Điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định, vợ, chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con.

Trong trường hợp này, đến thời điểm anh Trường và chị Thuỳ ly hôn thì cháu Đào Bá Thành, con chung của anh chị đã được 4 tuổi. Do đó, việc quyết định giao cháu cho anh Trường hay chị Thuỳ nuôi dưỡng sẽ được giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Như vậy, cơ sở để quyết định việc giao cháu Thành cho anh Trường hay chị Thuỳ là việc đánh giá toàn diện về hoàn cảnh kinh tế, đạo đức, lối sống…, anh Trường và chị Thuỳ ai sẽ là người có khả năng bảo đảm nuôi dưỡng, chăm sóc cháu Thành tốt hơn để cháu được phát triển toàn diện về thể lực, trí lực, đạo đức, tư cách.

Trong vụ việc này, nguyên nhân dẫn đến ly hôn là do anh Trường đam mê cờ bạc (tệ nạn xã hội) và có hành vi thường xuyên đánh đập vợ con. Vì vậy có cơ sở để khẳng định rằng, việc giao cháu Thành cho người có tư cách đạo đức, lối sống như anh Trường nuôi là không bảo đảm cho cháu bé được nuôi dưỡng, phát triển lành mạnh. Tuy nhiên, để Toà án có thể đi đến nhận định như trên, chị Thuỳ cần thu thập các bằng chứng để chứng minh trước Toà án về vấn đề này.

Các văn bản liên quan:

Luật 22/2000/QH10 Hôn nhân và gia đình

Trả lời bởi: Admin Portal

1900.0191