Tôi xin hỏi: con gái tôi là người Việt Nam, lấy chồng người Đài Loan. Chồng làm việc tại Malaixia. Họ muốn đăng kí kết hôn tại Singapore. Vậy thủ tục đăng kí tại đó thế nào và đăng kí đó có giá trị pháp lý tại Việt Nam hay Đài Loan không? Cám ơn sự trả lời của ban tư vấn pháp luật.
Gửi bởi: Trần Thị Yên
Về nguyên tắc, việc đăng ký kết hôn giữa 02 người nước ngoài không thường trú tại Singapore sẽ tuân thủ theo các quy định pháp luật về hộ tịch của Singapore. Nếu pháp luật Singapore cho phép, vợ chồng con gái bạn có thể tiến hành đăng ký kết hôn tại Singapore. Nếu pháp luật Singapore không cho phép, vợ chồng con gái bạn có thể tiến hành thủ tục này tại nước nơi người chồng hoặc người vợ có đăng ký thường trú. Mỗi bên đều phải tuân thủ pháp luật của nước mà họ là công dân (nghĩa là người vợ phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, người chồng phải tuân thủ pháp luật Trung Quốc (Đài Loan)) về điều kiện kết hôn.
Nhìn chung, khi đăng ký kết hôn ở cơ quan có thẩm quyền của Singapore, hai bên nam, nữ phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân, giấy chứng nhận độc thân, giấy tờ xác nhận việc cư trú tại Singapore và một số giấy tờ khác (nếu cần). Ông/bà nên liên hệ trực tiếp với các cơ quan có thẩm quyền về đăng ký kết hôn của Singapore hoặc vào các website phổ biến của Singapore để tìm hiểu cụ thể về trình tự, thủ tục, điều kiện được đăng ký kết hôn tại nước sở tại.
Theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 21/7/2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2002của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài thì:
“1. Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, phù hợp với pháp luật của nước đó thì được công nhận tại Việt Nam, nếu vào thời điểm kết hôn, công dân Việt Nam không vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn.
Trong trường hợp có sự vi phạm pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn, nhưng vào thời điểm yêu cầu công nhận việc kết hôn, hậu quả của sự vi phạm đó đã được khắc phục hoặc việc công nhận kết hôn đó là có lợi để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em thì việc kết hôn đó cũng được công nhận tại Việt Nam.
2. Việc công nhận kết hôn quy định tại khoản 1 Điều này được ghi chú vào sổ đăng ký theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch. Trong trường hợp công dân Việt Nam vắng mặt khi làm thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì khi có yêu cầu công nhận việc kết hôn đó tại Việt Nam, Sở Tư pháp tiến hành phỏng vấn các bên kết hôn để làm rõ sự tự nguyện kết hôn của họ.”
Theo đó, Điều 55 và 57 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định việc công nhận kết hôn đã đăng ký trước cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài phải được ghi chú vào Sổ hộ tịch tại Sở Tư pháp nơi đương sự cư trú. Sau khi thực hiện việc ghi chú, Giám đốc Sở Tư pháp ký và cấp cho đương sự Giấy xác nhận về việc đã ghi chú đó.
Như vậy, việc đăng ký kết hôn ở Singapore chỉ có giá trị pháp lý tại Việt Nam nếu được Sở Tư pháp ghi chú vào Sổ hộ tịch. Về thủ tục, con gái ông/bà phải xuất trình bản chính hoặc bản sao Giấy chứng nhận kết hôn (Giấy này phải được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch sang tiếng Việt) tại Sở Tư pháp nơi có đăng ký thường trú hoặc tạm trú để được cấp Giấy xác nhận về việc đã ghi chú vào Sổ hộ tịch việc đăng ký kết hôn đã đăng ký trước cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài.
Việc đăng ký kết hôn ở Singapore có giá trị pháp lý hay không tại Trung Quốc (Đài Loan) phụ thuộc vào các quy định pháp luật của Trung Quốc (Đài Loan).
Các văn bản liên quan:
Nghị định 69/2006/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/07/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài
Nghị định 158/2005/NĐ-CP Về đăng ký và quản lý hộ tịch
Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Vụ Hành chính tư pháp