Dịch vụ ly hôn tại Phú Yên – Tư vấn Thủ tục ghi chú ly hôn
Thời gian năm 2010 tôi đã kết hôn và có giấy kết hôn ở nước ngoài, nhưng không đăng ký bất kì giấy tờ nào ở Việt Nam. Hiện nay tôi về nước và lấy vợ ở Việt Nam, như vậy có phải tôi đã vi phạm luật hôn nhân và gia đình không? Việc tôi đơn phương ly hôn với người nước ngoài có được pháp luật chấp nhận không? Xin cám ơn!
Gửi bởi: Nguyễn Hải
Trả lời có tính chất tham khảo
Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, việc bạn đang có vợ là người nước ngoài (tức là bạn đã được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp Giấy đăng ký kết hôn) thuộc trường hợp cấm kết hôn. Do đó, khi bạn về nước và lấy vợ là công dân Việt Nam là đã vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình của Việt Nam.
Nếu bạn muốn hợp pháp hóa cuộc hôn nhân tại Việt Nam thì trước hết bạn phải làm thủ tục ly hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Sau khi có bản án hoặc quyết định hay các giấy tờ xác nhận về việc bạn đã ly hôn với người vợ ở nước ngoài, để được công nhận việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài nhằm mục đích kết hôn với người vợ mới, bạn phải thực hiện thủ tục ghi chú ly hôn tại Sở Tư pháp nơi bạn nộp hồ sơ đăng ký kết hôn với người vợ mới theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 16/2010/TT-BTP ngày 08 tháng 10 năm 2010 hướng dẫn việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài.
Điều 6 và Điều 7 Thông tư số 16/2010/TT-BTP ngày 08 tháng 10 năm 2010 quy định cụ thể về Hồ sơ yêu cầu ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài và trình tự, thủ tục ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài như sau:
“Điều 6. Hồ sơ yêu cầu ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài
1. Hồ sơ yêu cầu ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài bao gồm:
a) Tờ khai ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài (theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này);
b) Bản sao Bản án/Quyết định ly hôn của Toà án nước ngoài đã có hiệu lực thi hành; bản sao Bản thoả thuận ly hôn do Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của nước ngoài công nhận đã có hiệu lực thi hành hoặc bản sao các giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp công nhận việc ly hôn;
c) Bản sao giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế để chứng minh nhân thân của người có đơn yêu cầu;
d) Bản sao hộ khẩu để chứng minh thẩm quyền ghi chú việc ly hôn theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.
2. Hồ sơ nêu trên được lập thành 02 bộ, gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp đến Sở Tư pháp có thẩm quyền nêu tại Điều 5 Thông tư này. Đối với những giấy tờ bằng tiếng nước ngoài phải được hợp pháp hoá lãnh sự, dịch ra tiếng Việt và được chứng thực theo quy định của pháp luật.
Người đề nghị ghi chú có thể uỷ quyền cho người khác thực hiện việc ghi chú. Việc uỷ quyền phải bằng văn bản và phải được chứng thực hợp lệ. Nếu người được uỷ quyền là ông, bà, cha, mẹ, vợ/chồng, con, anh, chị, em ruột của người uỷ quyền thì không cần phải có văn bản uỷ quyền”.
Điều 7. Trình tự, thủ tục ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài
1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm gửi Công văn, kèm theo 01 bộ hồ sơ cho Bộ Tư pháp (Vụ Hành chính tư pháp) để cho ý kiến về điều kiện ghi chú.
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp xem xét việc cho ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài. Nếu xét thấy bản án, quyết định ly hôn, bản thỏa thuận ly hôn không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 356 của Bộ luật Tố tụng dân sự và không có đơn yêu cầu không công nhận, thì Bộ Tư pháp gửi Công văn cho Sở Tư pháp có thẩm quyền để thực hiện việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn theo hướng dẫn tại Thông tư này; nếu không đủ điều kiện, Bộ Tư pháp trả lại hồ sơ cho Sở Tư pháp và giải thích rõ lý do bằng văn bản.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Công văn của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp thực hiện việc ghi vào sổ hộ tịch và cấp cho đương sự Giấy xác nhận về việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài (theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này). Trường hợp không đủ điều kiện để ghi chú thì phải trả lời bằng văn bản và trả lại hồ sơ cho đương sự”.
Sau khi được cấp Giấy xác nhận về việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài, bạn có thể tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn theo đúng quy định pháp luật.
Các văn bản liên quan:
Thông tư 16/2010/TT-BTP Hướng dẫn việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài
Luật 22/2000/QH10 Hôn nhân và gia đình
Bảng giá dịch vụ ly hôn, chia tài sản, nuôi con nhanh trọn gói 2019
Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Vụ Hành chính tư pháp