Dịch vụ ly hôn tại Vĩnh Phúc – Cấp dưỡng sau khi ly hôn
Em và vợ thuận tình ly hôn, trong quyết định của tòa có ghi rõ là người mẹ phải trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, trách nhiệm của em là cấp dưỡng một tháng là 1 triệu. Nhưng hoàn cảnh hiện tại của em là: Mẹ em đang phải lãnh án tù 12 năm, nhà cửa hiện tại ngân hàng đang hóa giá, em đi dạy học và làm thêm nhưng lương hàng tháng phải trả nợ cho ba ngân hàng, do làm vất vả và tâm lý nên có bệnh. Vợ em viết đơn lên thi hành án buộc em phải cấp dưỡng. Hiện tại cuộc sống của em vô cùng khó khăn, phải đi ở nhờ nhà người khác. Vậy em phải làm thế nào. Xin cảm ơn!
Gửi bởi: lê việt bắc
Trả lời có tính chất tham khảo
Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Sau khi ly hôn, bạn không trực tiếp nuôi con nên có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình, trong đó có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng do các bên tự thỏa thuận hoặc theo quyết định của tòa án.
Mức cấp dưỡng được quy định tại Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình về như sau: Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Phương thức cấp dưỡng được quy định tại Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình: Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Đối chiếu với trường hợp của bạn, khi bạn lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế (lương thấp, phải trả nợ ngân hàng hàng tháng, không có nhà phải đi ở nhờ, bản thân có bệnh phải chạy chữa…) thì bạn có thể thỏa thuận với người vợ đã ly hôn về việc: (i) Giảm mức cấp dưỡng mà bạn phải cấp dưỡng cho con; (ii) hoặc tạm ngừng việc cấp dưỡng. Nếu không thỏa thuận được thì bạn có thể gửi đơn đến tòa án yêu cầu giải quyết.
Các văn bản liên quan:
Luật 52/2014/QH13 Hôn nhân và gia đình
Trả lời bởi: CTV3